Các cách điều trị đau thần kinh tọa hiệu quả nhất

đau thần kinh tọa

Điều trị đau thần kinh tọa phụ thuộc vào căn nguyên gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Cách điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, tập luyện, dùng thuốc và sau cùng là phẫu thuật.

1. Nguyên tắc điều trị đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa và cách điều trị chủ yếu dựa trên nguyên tắc giải phóng sự chèn ép, thúc đẩy sự lưu thông, tuần hoàn máu và nuôi dưỡng các cơ xương khớp để điều trị và phòng ngừa bệnh, cụ thể như sau:

  • Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh (thường gặp nhất là do tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng).
  • Giảm đau cho bệnh nhân và phục hồi vận động nhanh.
  • Ưu tiên điều trị nội khoa với những trường hợp đau thần kinh tọa mức độ nhẹ và vừa.
  • Can thiệp ngoại khoa được cân nhắc khi có những biến chứng liên quan đến vận động, cảm giác.
  • Đối với đau thần kinh tọa do nguyên nhân ác tính: Tiến hành phẫu thuật giải ép cột sống kết hợp điều trị ung thư.

2. Cách điều trị đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa gây ra những cơn đau khó chịu ở mức độ khác nhau đối với mỗi người. Có nhiều cách điều trị đau thần kinh tọa hiệu quả, song vẫn phải dựa vào căn nguyên gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Hầu hết những bệnh nhân bị đau thần kinh tọa chỉ cần điều trị nội khoa bằng việc nghỉ ngơi và dùng thuốc, hiệu quả cải thiện triệu chứng trong vòng 6 tuần. Điều trị đau thần kinh tọa bằng phẫu thuật được cân nhắc khi các biện pháp nội khoa thất bại.

2.1. Điều trị không phẫu thuật (phương pháp nội khoa)

Đa phần triệu chứng đau thần kinh tọa sẽ đỡ hơn trong vài tuần khi điều trị bằng các biện pháp khắc phục tại nhà. Nếu cơn đau nhẹ và gây cản trở khi sinh hoạt hàng ngày thì bác sĩ sẽ khuyến khích bạn kết hợp một số biện pháp cơ bản như:

  • Vật lý trị liệu: Đây là cách điều trị đau thần kinh tọa bảo tồn, mang lại hiệu quả, đảm bảo an toàn, trong đó sử dụng các yếu tố vật lý (như nhiệt, ánh sáng, điện từ trường hay sóng âm) và các tác động cơ học (như kéo giãn, nén ép) để điều trị giảm đau cho bệnh nhân. Duy trì tập vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện tư thế, làm giảm áp lực cho dây thần kinh tọa và giúp giảm đau.
  • Kéo giãn cơ lưng dưới: Giúp giảm đau dây thần kinh tọa.
  • Luyện tập các bài tập giảm đau thần kinh tọa: Tình trạng viêm sưng thường được cải thiện khi bệnh nhân di chuyển. Do đó, bài tập đi bộ ngắn có thể làm giảm cơn đau. Để đảm bảo tập đúng các tư thế nhằm mang lại hiệu quả và tránh tổn thương của dây thần kinh, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ hoặc nhà trị liệu để được hướng dẫn cụ thể.
  • Hạn chế nằm trên giường trong thời gian dài.
  • Sử dụng miếng dán nóng / lạnh: Sử dụng các miếng dán chuyên dụng ở lưng dưới trong vài ngày là cách điều trị đau thần kinh tọa hiệu quả.
  • Phương pháp điều trị thay thế: Những liệu pháp thay thế như yoga, mát xa, phản hồi sinh học và châm cứu có thể giúp chữa bệnh đau thần kinh tọa.
  • Thuốc giảm đau: Những loại thuốc giảm đau không kê đơn thường được lựa chọn trong phác đồ điều trị đau thần kinh tọa như acetaminophen và các thuốc nhóm NSAID (thuốc chống viêm không steroid, ví dụ như aspirin, ibuprofen và naproxen). Tuy nhiên, việc sử dụng các thuốc này trong thời gian dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

2.2. Phẫu thuật (phương pháp ngoại khoa)

Khi điều trị nội khoa thất bại thì phẫu thuật là biện pháp được cân nhắc (tỷ lệ khoảng 5-10% bệnh nhân bị đau thần kinh tọa nhẹ). Nếu bạn bị đau dây thần kinh tọa mức độ nhẹ nhưng triệu chứng đau vẫn còn sau 3 tháng nghỉ ngơi, tuân thủ tập luyện và uống thuốc, lúc này bác sĩ thường cân nhắc thực hiện phẫu thuật.

Trong một số hiếm trường hợp, đau dây thần kinh toạ có thể gây ra hội chứng chùm đuôi ngựa, trong đó bệnh nhân bị mất kiểm soát ruột – bàng quang và cần được điều trị bằng phẫu thuật.

Hai lựa chọn phẫu thuật chính khi điều trị đau thần kinh tọa là cắt bỏ đĩa đệm và cắt bỏ cung sau (hay mở ống sống).

  • Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm: Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ loại bỏ căn nguyên gây chèn ép vào dây thần kinh tọa, cho dù đó là một đĩa đệm bị thoát vị hay gai xương… Mục đích của cách này là để loại bỏ tác nhân gây đau, nhưng đôi khi bác sĩ sẽ phải loại bỏ toàn bộ đĩa đệm để có thể khắc phục được vấn đề này. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ có thể thực hiện gây mê toàn thân để đảm bảo toàn bộ quá trình diễn ra thuận lợi.
  • Phẫu thuật cắt cung sau của đốt sống (mở ống sống): Tiến hành mổ ở lưng để loại bỏ các xương và/hoặc mô tạo áp lực đè lên cột sống, giúp giảm cơn đau ở các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng bởi áp lực đè nén trong cột sống và giúp bệnh nhân có thể trở lại hoạt động bình thường. Bác sĩ có thể gây mê toàn thân trong khi tiến hành phẫu thuật cắt cung sau đốt sống. Sau khi hồi phục, bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng.
điều trị đau dây thần kinh tọa
Châm cứu là cách điều trị đau thần kinh tọa được nhiều người áp dụng

3. Theo dõi tiến triển và biến chứng khi điều trị đau thần kinh tọa

Bệnh đau thần kinh tọa tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân nhưng những tác động bất lợi đến sức khỏe và chất lượng sống gần như không thể tránh khỏi. Một số biến chứng của đau thần kinh tọa mà bệnh nhân có thể gặp phải khi điều trị đau thần kinh tọa, bao gồm:

  • Rối loạn vận động chi dưới: Tổn thương dây thần kinh tọa khi tiến triển sẽ gây hạn chế vận động một phần hoặc liệt hoàn toàn chi dưới.
  • Rối loạn cảm giác chi dưới: Bệnh nhân có dấu hiệu tê buốt quanh khớp háng, mặt sau chân và lòng bàn chân. Khi nhận thấy tê buốt và giảm vận động chân, bệnh nhân cần được xử trí càng sớm càng tốt.
  • Rối loạn cơ vòng (cơ tròn): Khi điều trị thất bại và các triệu chứng tiến triển, bệnh nhân có nguy cơ bị giảm hoặc mất chức năng cơ vòng niệu đạo (liên quan đến đường ruột và bàng quang). Trong trường hợp xuất hiện đau thần kinh tọa cấp tính, kèm những biểu hiện như bí tiểu tiện hoặc đại tiểu tiện không tự chủ, người bệnh cần được nhập viện ngay để được phẫu thuật cấp cứu mở ống sống.

4. Những lưu ý trong quá trình điều trị đau thần kinh tọa

Bệnh đau thần kinh tọa thường diễn tiến ở nhiều mức độ, do nhiều nguyên nhân và khả năng đáp ứng của bệnh nhân với mỗi cách điều trị đau thần kinh tọa cũng khác nhau, do đó cần thực hiện tốt việc theo dõi và quản lý bệnh:

  • Nếu đau thần kinh tọa gây ra do nguyên nhân thường gặp như thoái hóa hay bệnh lý đĩa đệm, hẹp ống sống, có đáp ứng với điều trị, nhưng thường tái phát: Cần kết hợp thêm các biện pháp bảo vệ cột sống, chẳng hạn như thay đổi lối sống, giảm áp lực lên cột sống để chúng không bị quá tải, đi bơi hàng tuần,…
  • Nếu đau thần kinh tọa gây ra do sự xuất hiện của tế bào ác tính tại chỗ hoặc di căn, cần kết hợp liệu pháp điều trị ung thư (hóa trị hay xạ trị), tuy nhiên tiên lượng bệnh thường không cao.
  • Bệnh nhân nên mang đai lưng sau phẫu thuật ít nhất 1 tháng mỗi khi đi lại hoặc ngồi lâu.
  • Tuân thủ lịch tái khám định kỳ trong và sau điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
Xoa bóp có thể chữa đau thần kinh tọa
Lựa chọn cách điều trị đau thần kinh tọa còn phụ thuốc vào mức độ đau và khả năng thích ứng của mỗi người

5. Phòng ngừa nguy cơ tái phát đau thần kinh tọa

Một số cách sau đây giúp phòng bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tái phát đau thần kinh tọa:

  • Luôn giữ cột sống ở tư thế thẳng đứng khi ngồi lâu hoặc lái xe, có thể sử dụng đai lưng để hỗ trợ.
  • Tránh thực hiện các động tác mạnh đột ngột, sai tư thế, mang vác nặng (đặc biệt là khi dùng chi dưới).
  • Luyện tập thể dục thể thao: Bơi lội và yoga là các bài tập thích hợp khi điều trị đau thần kinh tọa, giúp tăng sức bền, độ dẻo dai, cải thiện lưu thông khí huyết và sự linh hoạt của khối cơ lưng. Qua đó, nguy cơ tái phát đau thần kinh tọa được giảm thiểu đáng kể.

Bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị đau thần kinh tọa của bác sĩ và kiên trì trong thời gian điều trị để quá trình đẩy lùi bệnh được thuận lợi và dễ dàng hơn.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *