Có 3 dây thần kinh ảnh hưởng chức năng vận động của mắt, đó là dây thần kinh số 3, dây thần kinh số 4 và dây thần kinh số 6. Tất cả các dây thần kinh số 3, 4 và số 6 đều trực tiếp chi phối các cơ vận động ngoại bộ của nhãn cầu và vận động nội bộ của nhãn cầu.
1. Cấu tạo và chức năng vận động của mắt
Mắt chính là một cơ quan cảm giác đảm nhiệm chức năng thị giác. Mắt giúp con người tìm hiểu và nhận biết môi trường xung quanh, đồng thời còn tạo điều kiện cho trí tuệ ngày càng phát triển. Về cấu tạo, mắt bao gồm 3 phần như sau:
- Nhãn cầu: Gọi là nhãn cầu vì nó có hình cầu, nếu trục nhãn cầu ngắn hoặc dài sẽ gây tật khúc xạ hình cầu cận thị hoặc viễn thị. Thông thường nhãn cầu có đường kính trước sau khoảng 25 mm, trên dưới và ngang khoảng 23 mm. Phía trước chính là giác mạc có màu trong suốt, tiếp đó là củng mạc có màu trắng và lớp trong củng mạc là hắc mạc (chính là lớp có tế bào sắc tố).
- Các bộ phận bảo vệ nhãn cầu: Các bộ phận này bao gồm hốc mắt (được tạo nên từ các xương sọ và xương mặt); các thành của hốc mắt (gồm thành trên, thành ngoài, thành dưới và thành trong); đáy hốc mắt (có hình bầu dục gồm bờ trên, bờ ngoài, bờ dưới và bờ trong); đỉnh hốc mắt (gồm có lỗ thị giác và một khe hình chữ V; các phần tử nằm trong hốc mắt (gồm cơ vận động nhãn cầu, các cơ của mi mắt, các gân trong hốc mắt, tổ chức hốc mắt); mi mắt (mỗi mắt có 2 mi, mi trên và mi dưới); lệ bộ (bộ phận chế tiết nước mắt).
- Đường thần kinh và trung khu thị giác: Gồm đường thần kinh thị giác và trung khu thị giác ở vỏ não.

2. Các dây thần kinh ảnh hưởng chức năng vận động của mắt
Có 3 dây thần kinh ảnh hưởng chức năng vận động của mắt, đó là dây thần kinh số 3, dây thần kinh số 4 và dây thần kinh số 6. Tất cả các dây thần kinh số 3, 4 và số 6 đều trực tiếp chi phối các cơ vận động ngoại bộ của nhãn cầu và vận động nội bộ của nhãn cầu.
Hoạt động của 2 mắt luôn được phối hợp có hệ thống và nhịp nhàng. Do đó, 2 mắt có thể phối hợp cùng nhìn ngước lên trên hoặc nhìn xuống dưới cũng như cùng nhìn liếc qua phải hoặc qua trái. Tất cả những cử động đó được điều khiển của các trung tâm trung ương trên nhân ở thân não, ở não giữa và ở vỏ não. Cụ thể, đó là:
- Các trung điểm Perlia (chức năng quy tụ)
- Darkchwitz (liếc dọc)
- Foville (liếc ngang)
- Các trung tâm phản xạ (ở não giữa) với các củ sinh tư làm phản xạ thính thị giác (qua các bó mái-gai), với các nhân tiền đình (sự phối hợp giữa tư thế và vị trí của đầu với vị trí của đôi mắt (cắt nghĩa rung giật nhãn cầu).
- Các trung điểm ở tiểu não ở vỏ não chính là trung tâm tâm thần quay mắt quay đầu ở diện 8, trung tâm thị giác quay mắt quay đầu ở gần nếp cong có liên hệ diện 21, các trung tâm khác ở diện vận động cũng như với diện 18, 19, trung tâm thính giác quay mắt quay đầu ở cạnh diện thính giác…

3. Liệt chức năng nhìn do tổn thương dây thần kinh
Liệt chức năng nhìn chính là liệt sự phối hợp vận động của 2 nhãn cầu. Theo đó, khi những trung điểm phối hợp vận nhãn đã bị tổn thương, chức năng liếc dọc, ngang hoặc quy tụ bị liệt khiến chức năng vận động của mắt bị ảnh hưởng.
3.1 Liệt chức năng quy tụ
- Liệt đơn độc dây thần kinh số 3 ở một bên: Trường hợp này nhận thấy khi người bệnh nghỉ ngơi có lác ngoài ở mắt bên phải, nhưng mắt bên trái vẫn bình thường. Khi nhìn quy tụ, mắt phải người bệnh sẽ không quy tụ được nhưng mắt trái vẫn làm được. Nguyên nhân do đó là tổn thương ngoại biên của rối loạn nhìn quy tụ.
- Liệt chức năng quy tụ kèm liệt dây thần kinh số 3 ở bên phải: Triệu chứng này nhận thấy khi người bệnh nghỉ ngơi có lác ngoài ở bên phải, nhưng mắt ở bên trái thì bình thường. Tuy nhiên nếu nhìn sang phải, cả hai mắt đều nhìn được tốt, mắt trái liếc vào trong được, nhưng khi nhìn quy tụ thì mắt phải người bệnh sẽ không cử động, nhưng mắt trái cũng không quy tụ được
3.2 Liệt chức năng liếc dọc
- Liệt đơn độc dây thần kinh số 3 phải: Cơ nâng mi không bị liệt nhưng khi nghỉ ngơi có lác ngoài ở mắt phải và mắt trái vẫn bình thường. Trong trường hợp phải nhìn lên, mắt phải không nhúc nhích nhưng mắt trái vẫn nhìn ngước lên được. Đây chính là tổn thương ngoại biên của liếc dọc.
- Liệt chức năng liếc dọc kèm liệt dây thần kinh số 3: Trường hợp này khi nghỉ ngơi có lác ngoài ở mắt phải nhưng mắt trái vẫn bình thường. Tuy nhiên nếu nhìn sang bên phải thì nhìn được nhưng nhìn sang bên trái thì mắt trái nhìn được và mắt phải không nhìn được do dây thần kinh số 3 bên phải bị liệt. Đặc biệt khi nhìn ngước lên trên, mắt phải sẽ không nhìn được nhưng mắt trái cũng không nhìn được, đó chính là do tổn thương nhân phối hợp liếc dọc. Với những phương pháp tương tự, người ta cũng đánh giá được các trường hợp liếc chức năng liếc dọc có kèm theo liệt dây thần kinh số 6.

3.3 Liệt chức năng liếc ngang
- Liệt đơn độc dây thần kinh số 6 phải hay dây thần kinh số 3 trái: Đối với liệt dây thần kinh số 6 phải, mắt trái bình thường nhưng ngược lại mắt phải có lác trong. Còn trường hợp nhìn sang phải, mắt trái nhìn được, còn mắt phải không nhìn được. Trường hợp biệt liệt dây thần kinh số 3 trái thì khi nghỉ ngơi, mắt phải bình thường còn mắt trái bị lác ngoài. Một khi nhìn sang phải, mắt phải nhìn theo được, còn mắt trái không làm được điều đó.
- Liệt chức năng liếc ngang thuần túy: Khi người bệnh nghỉ ngơi, không có lác, có sự cân bằng giữa dây thần kinh số 3 và dây thần kinh số 6 ở cả hai bên. Điều này có nghĩa là hai mắt vẫn quy tụ được và liếc dọc được, như vậy không có liệt dây thần kinh số 3. Nhìn sang trái tốt, như vậy sự phối hợp vận động của nhân dây thần kinh số 3 phải và dây thần kinh số 6 trái bình thường.
- Liệt chức năng liếc ngang có kèm theo liệt một dây vận nhãn: Ví dụ nếu bị liệt chức năng liếc ngang về bên phải có kèm theo liệt dây thần kinh số 6 phải thì khi nghỉ ngơi, mắt bên phải bị lác trong, mắt bên trái bình thường. Trường hợp quy tụ mắt bên phải và bên trái đều hướng trục vào trong. Tuy nhiên nếu khi liếc dọc, mắt phải vẫn ngước lên trên nhưng hạn chế, còn mắt trái vẫn ngước bình thường. Nhìn sang trái, cả hai mắt bình thường, nhưng nếu nhìn sang phải, mắt phải không nhúc nhích thì có thể do liệt dây thần kinh số 6.
3.4 Liệt dây thần kinh số 4 khiến mắt lác
- Triệu chứng của liệt dây thần kinh số 4 thường không điển hình, nhưng thường người bệnh khi bị liệt dây số 4 thì mắt lác một hoặc cả 2 bên nhưng không quá rõ rệt. Kèm theo mắt lác là triệu chứng đầu bị lệch về một bên, cổ vẹo. Do đó, khi dây thần kinh số 4 bị tổn thương, chúng sẽ gây nên các chứng bệnh khá đa dạng.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.