Công thức máu là một trong những xét nghiệm quan trọng trong quá trình kiểm tra sức khoẻ. Thông tin từ các chỉ số hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu… có trong công thức máu sẽ giúp ích rất nhiều cho bác sĩ để đưa ra kết luận về tình trạng sức khoẻ của người bệnh.
1. Máu là gì?
Máu có nguồn gốc từ tủy xương, gồm 2 thành phần là huyết tương và các tế bào máu. Huyết tương được tạo thành bởi nước, muối khoáng, các yếu tố đông máu, kháng thể và protein. Các tế bào máu bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
Công thức máu còn được gọi là tổng phân tích tế bào máu ngoại vi là một xét nghiệm máu được dùng để đánh giá sức khỏe tổng quát và phát hiện các rối loạn như thiếu máu, nhiễm trùng và bệnh bạch cầu.
Công thức máu đo đếm các thành phần của máu, bao gồm:
- Hồng cầu: vận chuyển O2 từ phổi đến các cơ quan và đưa CO2 trở lại phổi để đào thải ra ngoài.
- Bạch cầu: có chức năng miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
- Tiểu cầu: giúp đông cầm máu khi bị thương.
- Hemoglobin: protein trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy.
- Hematocrit: tỷ lệ giữa hồng cầu và huyết tương.
2. Tại sao phải làm công thức máu?
Công thức máu là xét nghiệm thường quy, có nhiều mục đích:
- Đánh giá sức khỏe tổng quát: bác sĩ đề nghị xét nghiệm công thức máu khi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe tổng quát cũng như tầm soát các bệnh lý như thiếu máu hoặc bệnh bạch cầu.
- Chẩn đoán bệnh: khi bệnh nhân bị suy nhược cơ thể, mệt mỏi, sốt, viêm nhiễm, bầm tím hoặc chảy máu thì công thức máu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân của các triệu chứng này, từ đó làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh.
- Theo dõi tình trạng bệnh lý: công thức máu được bác sĩ chỉ định để theo dõi tình trạng của bệnh nhân mắc các bệnh gây rối loạn số lượng tế bào máu.
- Theo dõi điều trị: khi bệnh nhân dùng các thuốc có thể ảnh hưởng đến các tế bào máu.
3. Kết quả xét nghiệm công thức máu
Các chỉ số bất thường trong công thức máu có thể gợi ý cho bác sĩ tình trạng bệnh lý của người bệnh.
- Hồng cầu, Hemoglobin và Hematocrit: nếu các chỉ số này thấp hơn bình thường cho thấy tình trạng thiếu máu. Thiếu máu khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, thiếu tập trung. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu như thiếu vitamin hoặc sắt, mất máu hoặc bệnh lý tiềm ẩn. Khi các chỉ số này tăng cao có thể gợi ý bệnh đa hồng cầu hoặc bệnh tim
- Bạch cầu: số lượng bạch cầu giảm có thể do rối loạn miễn dịch, bệnh lý về tủy xương, ung thư hoặc do thuốc. Bạch cầu tăng cao trong nhiễm trùng, viêm nhiễm, rối loạn miễn dịch hoặc bệnh tủy xương.
- Tiểu cầu: chỉ số tiểu cầu nằm ngoài giới hạn bình thường có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Người bệnh cần phải làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán nguyên nhân.
Tóm lại, công thức máu là một xét nghiệm thường quy để đánh giá tổng quát sức khoẻ của người bệnh. Các chỉ số hồng cầu, bạch cầu trong công thức máu thay đổi tùy theo bệnh lý, do đó giúp gợi ý tình trạng bệnh và theo dõi đáp ứng điều trị.
Khi đã hiểu máu là gì và những khái niệm cơ bản về máu, bạn có thể tự cân nhắc và chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe bản thân nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu máu hay mắc các bệnh về máu.
Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có triển khai gói khám sức khỏe tổng quát. Gói khám sức khỏe này tại Vinmec hoàn toàn khác với việc thực hiện kiểm tra sức khỏe thông thường. Bởi chương trình được thiết kế có tính khoa học và tính thực tiễn để tiếp cận được toàn bộ tình trạng sức khỏe, đồng thời phát hiện sớm, can thiệp, điều trị kịp thời nhằm làm giảm đến mức tối thiểu những biến chứng của những bệnh hiểm nghèo đe dọa cuộc sống của bạn.
Mọi quy trình thăm khám được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm kết hợp cùng hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại. Vì thế, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng thăm khám tại bệnh viện.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.