Trong các trường hợp sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI cột sống thắt lưng để đánh giá bệnh lý cột sống thắt lưng thì thông thường người bệnh không cần phải tiêm thuốc đối quang từ. Tuy nhiên, nếu cần phải đánh giá nhiễm trùng, phát hiện khối u và đánh giá mức độ tổn thương mô mềm thì chụp MRI có tiêm thuốc đối quang từ là rất cần thiết.
1. Chụp MRI cột sống thắt lưng nhằm mục đích gì?
Phương pháp chụp MRI hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ sẽ ghi lại hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể con người dựa trên hiện tượng cộng hưởng từ hạt nhân. Thông qua sóng radio và từ trường, những hạt nguyên tử hydro trong cơ thể con người sẽ hấp thụ và giải phóng năng lượng RF, từ đó giúp máy chụp MRI thu nhận, xử lý và đưa ra những hình ảnh chi tiết các bộ phận khảo sát, giúp bác sĩ dễ dàng đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh lý, tổn thương hiện tại trên cơ thể người bệnh.
Phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) sẽ khác với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp X quang truyền thống, chụp cắt lớp vi tính (CT), bởi kỹ thuật này không sử dụng tia X nên chụp MRI không gây nhiễm xạ cho người bệnh, hình ảnh chẩn đoán có giá trị cao, do đó đây được xem là kĩ thuật hình ảnh tiên tiến nhất trong y khoa hiện nay.
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể thực hiện trên một vùng cơ thể cần khảo sát hoặc toàn thân. Kỹ thuật chụp MRI cột sống thắt lưng là phương pháp dùng để chẩn đoán các bệnh lý cột sống thắt lưng. Sau quá trình xử lý của máy, chụp cộng hưởng từ MRI lưng sẽ cho thấy:
- Chi tiết các đốt sống thắt lưng của người chụp, ở dạng hình đường cong lõm ra sau tạo dáng đứng thẳng cho con người.
- Chụp cộng hưởng từ cột sống sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán các hình ảnh đốt sống, cột sống không bị dị tật cấu trúc nếu có cấu tạo bình thường về thành phần và hình dạng.
- Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng còn cho thấy các đĩa đệm nằm giữa khoảng cách của 2 đốt sống. Nếu nhân nhầy không thoát ra ngoài, bao xơ không rách chèn ép lên dây thần kinh thì đĩa đệm bình thường, không bị bệnh lý thoát vị.
- Bên cạnh đó, kỹ thuật chụp MRI lưng còn hỗ trợ phát hiện nhiều bệnh lý liên quan khác như: gai đốt sống, thoái hóa cột sống, dị tật cong vẹo cột sống hoặc các tổn thương phần mềm liên quan như viêm nhiễm, chấn thương, tổn thương u,…
Tuy phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng không phải phương pháp ưu tiên trong chẩn đoán bệnh cột sống nhưng đây lại là kĩ thuật hình ảnh hiệu quả nhất. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc các mặt lợi ích để quyết định chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng khi cần thiết cho người bệnh.
2. Chụp MRI cột sống lưng có cần tiêm thuốc đối quang từ không?
Trong các trường hợp sử dụng phương pháp chụp MRI cột sống thắt lưng để đánh giá bệnh lý cột sống thắt lưng thì thông thường người bệnh không cần phải tiêm thuốc đối quang từ. Tuy nhiên, nếu cần phải đánh giá nhiễm trùng, phát hiện khối u và đánh giá mức độ tổn thương mô mềm thì chụp MRI có tiêm thuốc đối quang từ là rất cần thiết.
Khi chụp MRI có tiêm thuốc đối quang từ, người bệnh sẽ được tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch cánh tay trước khi chụp, sau đó thuốc đối quang sẽ được đào thải dần ra khỏi cơ thể qua đường tiểu.
Thuốc đối quang từ được đánh giá là rất an toàn, được sử dụng trong y khoa nhằm mục đích tạo tương phản để hình ảnh các tổn thương được bộc lộ rõ và chi tiết hơn. Vì vậy, nó không gây ra vấn đề sức khỏe gì cho người bệnh. Chỉ một số trường hợp cơ thể dị ứng với thuốc hoặc quá mẫn cảm thì thuốc mới gây ra tình trạng mẩn ngứa, buồn nôn, nôn, nóng ran, hay đau nhức đầu,…
Những phản ứng dị ứng với thuốc đối quang từ thường nhẹ và luôn có đội ngũ y tế sẵn sàng hỗ trợ nếu có triệu chứng nặng xảy ra, do đó nếu nhận thấy những tác dụng phụ trên, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ để được hỗ trợ tư vấn.
Tuy nhiên, với những người bệnh đang lọc cầu thận, suy thận hoặc phụ nữ có thai và người có tiền sử dị ứng thì nên cân nhắc, không bắt buộc thực hiện kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI cột sống thắt lưng nói riêng và MRI nói chung.

3. Những lưu ý khi chụp MRI có tiêm thuốc đối quang từ
Việc chụp cộng hưởng từ MRI cột sống thắt lưng cũng tương tự như các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác, không ảnh hưởng nào đến sức khỏe, không nhiễm từ nên người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm. Trường hợp chụp MRI có tiêm thuốc đối quang từ, người bệnh cần lưu ý một số điểm như sau:
- Trước khi chụp cộng hưởng từ MRI có tiêm thuốc đối quang từ, người bệnh cần phải mặc áo choàng bệnh viện nhằm phục vụ quá trình chụp được thuận lợi hơn.
- Nên tháo tất cả các trang sức có trên cơ thể, nhất là các đồ kim loại vì những đồ này có thể làm nhiễu sóng khi chụp cộng hưởng từ MRI.
- Trong trường hợp người chụp sợ không gian hẹp, người bị tâm thần, động kinh, quá sợ nên không đủ bình tĩnh,… thì các bác sĩ có thể sẽ sử dụng đến thuốc an thần, thuốc gây tê hoặc gây mê trước khi chụp để quá trình chụp được thuận lợi.
- Với những trẻ nhỏ hiếu động cần chụp cộng hưởng từ MRI thì bác sĩ cũng có thể tiêm thuốc mê để trẻ nằm yên, từ đó có kết quả chính xác hơn.
- Nếu người bệnh đã từng mắc các bệnh lý về thận, tim mạch, hen suyễn,… dị ứng với thuốc tương phản hay bất kỳ loại thuốc nào đó thì cần phải thông báo ngay cho bác sĩ trước khi chụp cộng hưởng từ MRI cột sống thắt lưng tiêm thuốc đối quang từ.
- Lưu ý quan trọng là người bệnh sẽ cần phải nằm yên trong quá trình chụp cộng hưởng từ MRI, đây được coi là yếu tố rất quan trọng bởi bất cứ một xê dịch nào cũng có thể dẫn đến nhiễu ảnh, sai lệch hình ảnh, ảnh hưởng đến việc chẩn đoán bệnh.
- Bên cạnh đó, tùy theo từng vị trí chụp mà kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn tư thế nằm phù hợp nhất cho người bệnh. Quá trình chụp cộng hưởng từ MRI cột sống thắt lưng có tiêm thuốc đối quang từ sẽ bắt đầu khi người bệnh đã cảm thấy sẵn sàng.
Sau khi chụp cộng hưởng từ cột sống, nếu người bệnh cảm thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn, đau đầu, ngứa, ửng đỏ vùng tiêm thuốc, hoa mắt chóng mặt,… hoặc các triệu chứng bất thường khác thì cần phải nhanh chóng thông báo với bác sĩ để xử lý kịp thời.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.