Đau dây thần kinh số 5 được chia ra gồm đau vô căn và đau triệu chứng (có nguyên nhân). Trong đó, đau dây thần kinh số 5 vô căn khá thường gặp gây đau đớn khó chịu cho người bệnh, khiến người bệnh đau không thể ăn ngủ được, luôn lo lắng và chất lượng cuộc sống giảm sút.
1. Đau dây thần kinh số 5 vô căn là gì?
Đau dây thần kinh số 5 là tình trạng bệnh lý gây ra đau những vùng do dây thần kinh V chi phối, triệu chứng đau thường rất đặc thù: Thường xảy ra đột ngột, đau nặng trong cơn kéo dài từ vài giây đến vài phút, đau tự phát hoặc xuất phát từ một điểm nhất định.
Các trường hợp đau dây thần kinh 5 thường xuất hiện chỉ một bên, nếu đau cả hai bên thường là xuất hiện sau khi đã đau một bên trong thời gian dài.
Đa số các trường hợp đau dây thần kinh 5 khám lâm sàng hoàn toàn bình thường hay đau dây thần kinh 5 vô căn. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp đau nửa mặt liên quan đến một số bệnh lý vùng góc cầu – tiểu não như xơ cứng rải rác, u màng não, u dây thần kinh 5, u nang thượng bì.
2. Đau dây thần kinh số 5 vô căn thường có biểu hiện gì?
Đau dây thần kinh số 5 thường khởi phát với cơn đau kiểu rát bỏng hoặc như có luồng điện ở mặt xen kẽ những thời điểm không đau. Mỗi ngày có thể xuất hiện nhiều cơn đau, mỗi cơn đau kéo dài vài giây đến vài phút, trong cơn đau bệnh nhân rất đau, không thể làm việc hay vận động. Theo thời gian các cơn đau sẽ tăng về cả tần suất lẫn cường độ đau, đau xuất hiện tự nhiên khi nói, nhai hoặc khi kích thích vào một điểm (da, niêm mạc miệng). Ngoài cơn đau bệnh nhân hoàn toàn bình thường, không có cảm giác tê bì hay kiến bò vùng đau, không có các tổn thương khác đi kèm.
Về các vị trí đau cụ thể, giai đoạn đầu bệnh nhân thường đau một bên, hay gặp ở nhánh V2 hoặc V3 hoặc cả hai nhánh. Tổn thương nhánh V1 đơn thuần thường hiếm gặp, hiếm hơn cả là đau cả 3 nhánh cùng lúc và thường chỉ gặp ở giai đoạn sau khi dau lan đến vùng chi phối của các nhánh cùng bên.
3. Điều trị và phục hồi chức năng đau dây thần kinh số 5
Các phương pháp điều trị đau dây thần kinh số 5 có cả điều trị nội khoa và ngoại khoa cụ thể như sau:
3.1 Điều trị thuốc
Các thuốc chống co giật như Phenytoin và Carbamazepin để kiểm soát đau dây V, liều bắt đầu thấp sau đó tăng dần đến 1200 mg/ngày.
3.2 Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được đặt ra khi điều trị nội khoa kéo dài bằng 2 loại thuốc với liều cao mà không còn hiệu quả.
- Nhóm phương pháp làm tổn thương dây 5: Là phương pháp tiêm cồn dọc theo đường đi của dây V như dây thần kinh trên hốc mắt, dây thần kinh dưới hốc mắt, nhánh V2 hoặc nhanh V3. Tuy nhiên phương pháp này sẽ làm mất cảm giác tạm thời hoặc gây dị cảm. Ngoài ra, còn có thể cắt dây thần kinh V ngoại biên, cắt dây thần kinh gần cầu não hoặc mở thông dây V, nhiệt đông dây V tại hạch qua da bằng sóng radio
- Phương pháp không làm tổn thương dây V: Là phương pháp giải áp vi mạch được áp dụng phổ biến tại các trung tâm phẫu thuật thần kinh trên thế giới đưa lại hiệu quả nhất.
Các phương pháp phục hồi chức năng đau dây thần kinh số 5 gồm:
- Trị liệu bằng nhiệt nóng: Tia hồng ngoại liều ấm, chườm nóng
- Siêu âm trị liệu
- Kích thích cơ thần kinh qua da bằng điện xung hay dòng giao thoa.
Đau dây thần kinh số 5 là biểu hiện của sự tổn thương nào đó và dễ chẩn đoán nhầm với bệnh răng miệng. Do đó, khi người bệnh có những biểu hiện như đau vùng mặt, cơn đau diễn ra đột ngột, nhanh chóng,… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán; tuỳ thuộc vào triệu chứng bác sĩ sẽ có những biện pháp điều trị kịp thời và phù hợp. Để tránh những biến chứng xảy ra và giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế uy tín và chất lượng.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.