Nhiều bệnh nhân hiện nay đang gặp không ít mệt mỏi khi phải đối diện với những cơn đau dây thần kinh số 5 – xảy ra đột ngột và nặng nề. Vậy đâu là phương pháp tốt để khắc phục tình trạng này? Liệu đau dây thần kinh số V có nên phẫu thuật hay không?
1. Tìm hiểu về tình trạng đau dây thần kinh số 5
Đau dây thần kinh số V thường được diễn tả là cơn đau nặng nề và xảy ra đột ngột, có thể kéo dài trong vài giây đến vài phút. Hầu hết các cơn đau đều xuất hiện ở một bên, nhưng vẫn có trường hợp xảy ra ở cả 2 bên (chiếm tỷ lệ khoảng 3% – 6%). Đây không phải là một bệnh lý mà là một biểu hiện triệu chứng, có tỷ lệ xuất hiện cao ở nhóm người 50 – 60 tuổi, đặc biệt là trên 70 tuổi. Ngoài ra, triệu chứng này cũng có liên quan đến một số nguyên nhân và các cơ chế gây bệnh khác nhau.
Cũng cần chú ý phân biệt triệu chứng đau dây thần kinh số 5 với đau do các dây thần kinh khác như đau dây thần kinh số IX, hội chứng Reader, đau đầu Cluster, đau khớp thái dương hàm, bệnh về răng, đau dây thần kinh mặt sau chấn thương…
2. Các biểu hiện điển hình của chứng đau dây thần kinh số 5
Thông thường, khi đau dây thần kinh V, các cơn đau sẽ bùng phát theo từng đợt, diễn ra và kết thúc cực kì đột ngột, nhanh chóng. Những cơn đau này sẽ tái đi tái lại thường xuyên, không có quy luật và đôi khi tự nhiên biến mất.
Các cơn đau có thể phát sinh một cách tự nhiên hoặc khi có các tác động như rửa mặt, cạo mặt, nhăn mặt, nói chuyện, ăn nhai… Hầu hết các cơn đau có thể kéo dài vài giây đến vài phút, tuy nhiên, một số ít trường hợp kéo dài hơn vài giờ.
Đau dây thần kinh số 5 thường có 2 kiểu sau:
- Đau tiên phát: Bắt đầu với một kích thích nhất định ở vùng da mặt, từ từ phát triển thành cơn đau dữ dội hơn, kéo dài khoảng 10 – 30 giây.
- Đau thứ phát: Cơn đau ít nặng nề hơn nhưng đau dai dẳng và liên tục, không xuất phát từ bất kỳ vùng nào. Đây là dấu hiệu cho thấy dây thần kinh số 5 có thể đang có tổn thương.
3. Nguyên nhân gây ra tình trạng đau dây thần kinh số 5
Như đã đề cập ở trên, không có nguyên nhân xác định gây ra triệu chứng đau dây thần kinh số V. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng một số sang chấn mãn tính tại dây thần kinh số V sẽ làm tiêu biến lớp vỏ bảo vệ cũng như dẫn truyền myelin. Những sang chấn này có thể đến từ:
- Tai nạn hoặc các phẫu thuật gây tổn thương đến dây thần kinh.
- Do một số bệnh như xơ hóa hệ thống, Lupus ban đỏ…
Ngoài ra, chứng đau dây thần kinh số 5 còn liên quan đến các bệnh lý khác như:
- Các bệnh virus, điển hình là bệnh zona: Gây ra các cơn đau thường xuyên cho đến khi ban đỏ lành lặn. Nếu như có các kích thích, cơn đau tại dây thần kinh số 5 sẽ càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi bệnh giảm dần, các cơn đau này cũng biến mất.
- Bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là bệnh giang mai cũng có thể gây ra đau dây thần kinh số V.
- Đái tháo đường.
- Sự thay đổi hóa sinh tại dây thần kinh.
- Có sự bất thường về mạch máu, khối u… chèn ép lên dây thần kinh số V.
- Một số nguyên nhân thứ phát gây đau dây thần kinh số 5 bao gồm: áp xe răng, sâu răng, viêm xoang, ung thư vòm họng…
- U não, u dây thần kinh, u nang thượng bì…
4. Chẩn đoán chứng đau dây thần kinh số 5 như thế nào?
Việc chẩn đoán triệu chứng này cũng chính là cố gắng tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy, các bác sĩ có thể tiến hành nhiều kiểm tra và xét nghiệm:
- Khám thực thể;
- Chụp X-Quang và CT Scan sọ nhằm đánh giá các bất thường liên quan đến cơn đau;
- Khảo sát mạch máu thông qua CT Scan hoặc chụp cộng hưởng từ MRI.
5. Giải đáp vấn đề: đau dây thần kinh số V có nên phẫu thuật?
Câu trả lời tùy thuộc theo nguyên nhân gây ra cơn đau. Dựa theo kết quả từ các xét nghiệm và kiểm tra trước, các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác vì sao bệnh nhân bị đau dây thần kinh số 5 và từ đó đưa ra phương thức điều trị thích hợp.
5.1 Điều trị nội khoa
Thường sử dụng các loại thuốc chống co giật như Dilantin, Phenytoin, Carbamazepine… Trong đó, Carbamazepine là loại thuốc rất phổ biến để kiểm soát các cơn đau tại dây số 5. Một số bác sĩ khác lựa chọn Phenytoin do giá thành khá thấp, ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, thuốc này có hiệu quả thấp hơn so với Carbamazepine.
Thông thường, việc điều trị đau dây số 5 sẽ được điều trị khởi đầu bằng Carbamazepine hoặc Phenytoin ở liều thấp, sau đó tăng dần lên.
Một số loại thuốc khác như Baclofen, clonazepam… cũng có thể được sử dụng, tuy nhiên không có nhiều hiệu quả như 2 loại thuốc trên.
5.2 Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)
Đây là phương pháp điều trị đau dây thần kinh số 5 phổ biến nhất với hơn 90% trường hợp. Các điều trị ngoại khoa có khá nhiều phương pháp tính đến thời điểm hiện nay:
- Phá hủy hạch Gasser bằng sóng cao tần;
- Cắt có chọn lọc rễ thần kinh sau hạch Gasser;
- Giải áp vi mạch.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.