Đau thần kinh tọa là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng cách thì bệnh có thể để lại nhiều di chứng, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe bệnh nhân, thậm chí gây tàn phế.
1. Đau dây thần kinh tọa ở người già là gì?
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất trên cơ thể, chạy dọc từ thắt lưng xuống dưới chân, có chức năng điều khiển cảm giác và chi phối các động tác của đôi chân, giúp chân có thể thực hiện tốt các động tác đi lại, đứng lên – ngồi xuống. Đau dây thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa do dây thần kinh tọa bị chèn ép hoặc tổn thương.
Đau dây thần kinh tọa (đau dây thần kinh hông to) là bệnh gặp ở 2% dân số nói chung và ở 17% dân số trên 60 tuổi. Bệnh gây đau đớn, khó khăn trong vận động và ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
2. Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa ở người già
- Thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng: Chiếm 60 – 90% các trường hợp bị đau dây thần kinh tọa. Sự lão hóa tự nhiên và các áp lực trực tiếp khiến nhân nhầy trong đĩa đệm bị thoát ra ngoài, chèn ép vào dây thần kinh tọa gây đau;
- Các bất thường vùng cột sống thắt lưng cùng như trượt đốt sống, hẹp cột sống, bệnh paget, thoái hóa khớp liên cuống, phì đại cuống đốt sống, khối u của xương, ung thư di căn vào cột sống, viêm nhiễm tại chỗ,…;
- Vấn đề trên đường đi của dây thần kinh hông: Khối u đáy chậu chèn ép, viêm khớp cùng chậu, đau cơ tháp chậu,…;
- Vấn đề trong ống sống: U tủy và màng tủy, viêm màng nhện tủy khu trú, áp xe ngoài màng cứng,…;
- Chấn thương – va đập gây kích ứng dây thần kinh, viêm khớp thoái hóa;
- Thói quen sinh hoạt và làm việc sai cách như ngồi lâu, ngồi nhiều hoặc ngồi sai tư thế, chơi thể thao quá sức,…;
- Nguyên nhân khác: Giãn tĩnh mạch quanh rễ, hội chứng cơ hình lê, giãn tĩnh mạch màng cứng, phì đại dây chằng vàng,…
3. Triệu chứng đau dây thần kinh tọa ở người già
Bệnh nhân có biểu hiện đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa. Ban đầu đau thắt lưng, sau đó lan xuống mông, đến mặt ngoài đùi, mặt trước cẳng chân, xuống mặt trước mắt cá chân, mu bàn chân,… Đôi khi người bệnh có cảm giác đau như kiến bò hoặc kim châm.
Cơn đau dây thần kinh tọa tường tự bộc phát, liên tục nhưng có trường hợp đau cấp tính dữ dội, đau nhiều khi cúi người, làm việc gắng sức, ho, hắt hơi, rặn tiểu tiện – đại tiện. Cơn đau có thể giảm khi người bệnh nằm nghỉ, đặc biệt là khi nằm trên giường cứng. Tùy theo tổn thương, bệnh nhân có thể không cúi người được, không nhấc được gót chân hoặc mũi chân, dần dần bị teo cơ đùi, mông và cẳng chân ở bên dây thần kinh tọa bị tổn thương.
4. Lưu ý khi điều trị đau thần kinh tọa ở người già
Sau khi được chẩn đoán xác định bệnh dựa trên triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cần thiết (điện cơ đồ, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hạt nhân,…), bệnh nhân đau thần kinh tọa sẽ được chỉ định điều trị phù hợp. Một số lưu ý khi điều trị đau thần kinh tọa ở người cao tuổi như sau:
- Điều trị bệnh nhằm mục đích giảm đau và hạn chế nguy cơ tái phát các cơn đau và hạn chế sự phát triển của thoái hóa xương khớp;
- Các thuốc giảm đau cho bệnh nhân thường là nhóm không steroid hoặc corticoid, có thể gây xuất huyết tiêu hóa; nếu dùng quá nhiều và quá liều có thể dẫn đến tăng huyết áp, loãng xương, đái tháo đường,… nên cần sử dụng đúng theo khuyến nghị của bác sĩ;
- Kết hợp điều trị tại chỗ đau, điều trị toàn thân và điều trị các nguyên nhân gây bệnh trực tiếp;
- Khi bị đau dữ dội và đột ngột, bệnh nhân nên nằm yên, bất động chỗ đau. Người bệnh tuyệt đối không đấm bóp, xoa nắn hoặc kích thích nhiều vào chỗ đau. Bệnh nhân có thể dùng thêm thuốc giảm đau, giãn cơ theo chỉ định của bác sĩ;
- Thận trọng khi dùng thuốc điều trị bệnh vì đa số người già bị đau dây thần kinh tọa đều đang mắc thêm các bệnh lý khác như đái tháo đường, béo phì, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh xuất huyết tiêu hóa,…;
- Khi dùng thuốc cần chú ý tới liều lượng vì cơ thể người già bị suy giảm khả năng đào thải thuốc so với người trẻ. Liều dùng thuốc nên tăng dần từ từ đến khi có đáp ứng với thuốc thì ngừng, không nên dùng thuốc dài ngày;
- Nên kết hợp dùng thuốc với điều trị vật lý trị liệu như chườm lá ngải cứu, chườm muối nóng, sử dụng nhiệt, thủy liệu, đắp bùn hoặc bơi lội, xoa bóp bấm huyệt,…;
- Có chế độ ăn phù hợp, tăng sử dụng thịt nạc, trứng, tôm, cua và sữa chua vì chúng giàu canxi, magie và không làm tăng cholesterol. Người bệnh nên hạn chế đường, tinh bột, tránh các chất kích thích, ăn giảm muối. Các loại hoa quả tươi nên ăn nhiều là cam, bưởi, táo,… và nên ăn thêm rau xanh như rau dền, rau cải, giá đỗ,…
5. Biện pháp phòng tránh đau dây thần kinh tọa ở người già
Đau thần kinh tọa gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân nên việc chủ động phòng bệnh là rất quan trọng. Một số lưu ý quan trọng gồm:
- Người ngoài 30 tuổi nên theo dõi mật độ xương định kỳ để phát hiện sớm hiện tượng loãng xương gây thoái hóa khớp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người lao động chân tay, có công việc đặc thù phải ngồi lâu trong nhiều giờ mỗi ngày trong nhiều tháng, nhiều năm;
- Hằng ngày nên tập luyện thể dục thể thao khoảng 30 phút để kích thích khí huyết lưu thông, nuôi dưỡng tốt cho các cơ quan và các khớp xương. Các động tác tập luyện phải nhẹ nhàng, thích hợp với xương khớp, không tập quá sức;
- Chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý: Hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, kiểm soát cân nặng, tránh căng thẳng tâm lý quá mức, không nằm đệm quá mềm,…;
- Người thường xuyên mang vác vật nặng nên thao tác đúng tư thế, tránh xảy ra chấn thương lồi đĩa đệm hoặc trượt đốt sống
Đau dây thần kinh tọa ở người già là bệnh lý khá phổ biến và gây ảnh hưởng xấu tới chức năng vận động của bệnh nhân. Khi được phát hiện bệnh, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đẩy lùi căn bệnh này và ngăn ngừa bệnh tái phát.