Bàn tay là bộ phận chứa nhiều khớp và thần kinh. Các tổn thương hay gặp ở tay như bong gân ngón tay, đứt dây chằng ngón tay cái, chấn thương khớp cổ tay gây ra các triệu chứng đau, sưng, thậm chí tê bì. Các tổn thương gân và dây chằng ở ngón tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra nhiều khó khăn trong vận động, làm ảnh hưởng tới công việc và chất lượng sống.
1. Các tổn thương hay gặp ở tay
Bàn tay là bộ phận chứa nhiều khớp và thần kinh. Các tổn thương hay gặp ở tay như bong gân ngón tay, đứt dây chằng ngón tay cái, chấn thương khớp cổ tay gây ra các triệu chứng đau ngón tay, sưng, thậm chí tê bì.
1.1. Bong gân ngón tay
Dây chằng là những dải mô liên kết cứng và kém đàn hồi liên kết đầu tận các xương với khác. Tình trạng tổn thương dây chằng ở ngón tay cái, hay còn gọi là bong gân ngón tay bao gồm dây chằng bị kéo căng quá mức, bị rách hoặc đứt dây chằng ngón tay cái. Bong gân xảy ra ngón tay bị bẻ cong theo hướng bất thường (thường xảy ra khi ngã bàn tay ở tư thế dạng) hoặc do lực tác động vào mạnh làm khớp mất ổn định và dẫn đến chấn thương.
Ngoài ra, việc khởi động không đúng cách sẽ làm các cơ co chặt, giảm giới hạn vận động của khớp, khiến các cơ bị bó chặt hơn nữa và dễ bị rách hay đứt dây chằng. Bong gân ngón tay có thể gây sưng, đau ngón tay, hạn chế vận động và yếu ngón tay.
1.2. Đứt gân ngón tay
Gân là mô liên kết nối đầu tận của cơ với xương. Đứt gân ngón tay có thể gây tổn thương các dây thần kinh. Những dấu hiệu thường gặp của đứt gân ngón tay như:
- Ngón tay bị cắt lìa gần hoàn toàn hay hoàn toàn là dấu hiệu thường gặp nhất của đứt gân ngón tay.
- Xương ngón tay bị nứt hoặc gãy thường đi kèm với tổn thương gân, dây chằng và các mô mềm.
- Trật khớp ngón tay khiến khớp bị di lệch khỏi vị trí ban đầu, kéo giãn dây chằng xung quanh, thậm chí là đứt gân.
- Lực tác động mạnh vào ngón tay có thể làm tổn thương màng gân hoặc đứt sợi gân ngón tay.
- Đứt gân ngón tay có thể đi kèm với tổn thương thần kinh, gây triệu chứng tê tại vùng mà thần kinh đó chi phối, làm giảm cảm giác ngón tay.
1.3. Chấn thương khớp cổ tay
Chấn thương khớp cổ tay bao gồm các tổn thương gân gấp và gân duỗi cổ tay, giãn dây chằng cổ tay.
- Tổn thương gân gấp cổ tay là khi gân ở vùng lòng bàn tay bị đứt hoặc xoắn vặn. Nếu gân gấp ở gần đầu ngón tay bị đứt rách sẽ làm đầu ngón tay không thể uốn cong được, mà sẽ luôn giữ ở vị trí thẳng, đôi khi được gọi là “ngón tay thùa khuyết”.
- Tổn thương gân duỗi cổ tay là khi các gân ở mặt mu bàn tay bị đứt hoặc xoắn vặn. Nếu đứt gân gấp ở vị trí gần đầu ngón tay sẽ làm cho ngón tay ở tư thế gấp, không thể duỗi thẳng được, sưng và đau ở vùng đầu ngón tay, nên còn gọi là “ngón tay hình cái vồ”.
- Một kiểu tổn thương gân duỗi ngón tay khác được gọi là “ngón tay thợ thùa khuyết”, xảy ra khi gân duỗi ở khớp gần với đầu ngón tay bị rách và trượt ra khỏi vị trí ban đầu. Điều này làm cho khớp ngón tay đốt xa luôn ở tư thế duỗi thẳng, trong khi khớp ngón tay đốt gần thì ở tư thế gấp.
- Giãn dây chằng cổ tay là chấn thương khớp cổ tay thường gặp, do các dây chằng quanh cổ tay bị căng giãn quá mức dẫn đến tổn thương sâu. Đôi khi chấn thương này dẫn đến rách hoặc đứt dây chằng cổ tay hoàn toàn. Chấn thương do té ngã, vận động cổ tay quá mức hoặc chơi các môn thể thao tiếp xúc là nguyên nhân gây giãn dây chằng cổ tay. Các triệu chứng bao gồm đau nhức đột ngột và đâu nhiều ở cổ tay kèm theo sưng tấy, bầm tím và mất cân bằng nhất thời. Trong trường hợp nặng sẽ có cảm giác cổ tay lỏng lẻo và không cử động cổ tay được. Những triệu chứng này có thể giảm sau vài ngày nghỉ ngơi và khi được chăm sóc đúng cách.
1.4. Ngón tay cò súng
Ngón tay cò súng còn gọi là hội chứng lò xo, là tình trạng mà ngón tay người bệnh không thể duỗi thẳng như bình thường được, như bị khóa ở tư thế gấp. Nguyên nhân là do tổn thương phần gân ở bàn tay bị sưng nên không thể điều khiển được ngón tay, khiến ngón tay cong lại. Khi cố gắng duỗi thì ngón tay sẽ cong ngược lại trước khi duỗi thẳng ra. Người bị ngón tay cò súng sẽ có triệu chứng đau ở ngón tay hoặc gan tay, không vận động được ngón tay do mắc kẹt ở một tư thế.
1.5. Hội chứng De Quervain gây đau ngón tay
Hội chứng De Quervain là tình trạng ảnh hưởng lên phần gân mặt ngoài của ngón tay cái, làm đau cổ tay khi xoay hay khi cố gắng cầm nắm vật gì đó. Cử động cổ tay lặp đi lặp lại có thể gây đau nhiều hơn. Viêm gân bao hoạt dịch được cho là nguyên nhân của hội chứng De Quervain, nhưng chưa được khẳng định chính xác.
1.6. Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay, gây ra triệu chứng tê bì, dị cảm, sưng phù, đau ngón tay.
2. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh gây đau ngón tay
Để chẩn đoán các tổn thương ở tay cũng như nguyên nhân gây đau ngón tay, đặc biệt là bong gân ngón tay, chấn thương khớp cổ tay, đứt dây chằng ngón tay cái, cần kết hợp giữa khám lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như X – quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ vừa có vai trò chẩn đoán, vừa giúp định hướng điều trị và can thiệp.
3. Điều trị các tổn thương hay gặp ở tay
Điều trị các tổn thương ở tay sẽ phụ thuộc vào ngón tay bị thương và mức độ tổn thương. Điều trị đứt gân ngón tay và các chấn thương khác ở bàn tay có thể đơn giản chỉ là giảm đau, băng bó, nẹp cố định hay bó bột để cố định xương gãy. Nếu thương tổn ở ngón tay quá nặng, ví dụ như hoại tử, có thể cần phải đoạn chi. Các biện pháp điều trị tổn thương bàn tay cụ thể bao gồm:
- Giảm đau: Nếu tổn thương nặng hoặc đau nhiều, người bệnh cần dùng thuốc giảm đau mạnh. Nếu tổn thương nhẹ thì chỉ cần kiểm soát cơn đau bằng thuốc giảm đau không cần kê đơn như acetaminophen, naproxen và ibuprofen.
- Tạm thời để bàn tay nghỉ ngơi:Hạn chế hoặc ngừng cử động ngón tay, bàn tay.
- Nếu có thể thì giữ bàn tay luôn ở tư thế cao hơn tim.
- Chườm đá để giảm sưng phù trong vòng ít nhất 6 giờ sau tổn thương: Dùng một miếng khăn mỏng để ngăn cách giữa đá và da, tránh để đá tiếp xúc trực tiếp với da sẽ gây bỏng lạnh, có thể chườm đá mỗi 1 – 2 giờ 1 lần, mỗi lần khoảng 15 phút. Một số bệnh nhân thấy có hiệu quả nếu giữ lâu hơn, thậm chí chườm đá lên tới 2 ngày sau tổn thương.
- Sử dụng các loại băng dẻo như băng thun để hạn chế ma sát do va chạm.
- Băng cố định ngón tay tổn thương vào ngón lành cạnh bên khi có tình trạng đứt dây chằng. Băng cố định không dùng để điều trị ngón tay cò súng và các tổn thương gân.
- Đeo nẹp ngón tay được áp dụng để điều trị ngón tay cò súng và các tổn thương gân. Đối với một số thương tổn ví dụ như “ngón tay hình cái vồ”, người bệnh nhân cần phải đeo nẹp suốt ngày.
- Phẫu thuật áp dụng đối với một số bệnh nhân bị chấn thương gân và dây chằng nặng, giảm hoặc mất khả năng cử động của ngón tay, bàn tay. Các phẫu thuật này thường cần thực hiện ở trung tâm có chuyên gia về phẫu thuật bàn tay.
- Các biện pháp vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau khi tổn thương bàn tay đã liền. Các bác sĩ phục hồi chức năng sẽ hướng dẫn cách luyện tập giúp tăng cường sức mạnh cho ngón tay, bàn tay và vận động dễ dàng hơn.
Tuỳ thuộc vào cơ chế và loại tổn thương mà ngón tay có thể mất vài tuần tới vài tháng để liền. Tình trạng đầu ngón tay bị mất cảm giác khá phổ biến và đôi khi có thể kéo dài nhiều tháng, xúc giác cũng có thể bị giảm. Ngoài ra, khả năng lành thương cũng phụ thuộc vào cơ địa. Đối với trẻ em khỏe mạnh thì sẽ phục hồi nhanh hơn. Người lớn hoặc người cao tuổi có thể cần điều trị lâu hơn. Trong một số trường hợp, tổn thương có thể để lại di chứng biến dạng và cứng khớp ngón tay sau quá trình điều trị.
Trong trường hợp người bệnh bị đau ngón tay tăng lên nhiều và dữ dội, kèm theo sưng phù nề tiến triển; tê bì dị cảm ngón tay hoặc màu sắc ngón tay nhợt nhạt, tím tái; ngón tay tự gấp hoặc duỗi không theo chủ ý thì cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị phù hợp.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.