Giám định tâm thần là gì?, các vấn đề tâm lý, bệnh tâm thần nào cần thực hiện giám định tâm thần và có những hình thức giám định tâm thần nào?. Tham khảo bài viết dưới đây để giải đáp những thắc mắc trên.
1. Giám định tâm thần là gì?
Giám định pháp y tâm thần hay gọi tắt là giám định tâm thần là công tác được phối hợp thực hiện giữa các ngành y tế, công an, viện kiểm sát và tòa án để nghiên cứu mối liên hệ giữa các trạng thái rối loạn tâm thần với các vấn đề về dân sự và hình sự.
Nhiệm vụ của giám định tâm thần là:
- Xác định đối tượng có các rối loạn tâm thần hoặc mắc bệnh tâm thần không, với mức độ như thế nào, đối tượng có thực sự bị bệnh hay cố ý biểu hiện bệnh. Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm của đối tượng giám định với hành vi phạm pháp đã gây ra
- Bảo vệ quyền lợi của người bị tâm thần và xác định trách nhiệm của xã hội đối với thiệt thòi dân sự
- Xác định hành vi dân sự và khả năng chịu trách nhiệm của các đối tượng có liên quan trong vụ kiện dân sự nghi vấn có rối loạn tâm thần.
2. Giám định tâm thần đối với những bệnh lý, vấn đề tâm thần nào?
Theo Thông tư ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần, giám định tâm thần đối với 21 bệnh tâm thần, rối loạn tâm thần thường gặp, đó là:
- Ảo giác thực tổn, rối loạn hoang tưởng thực tổn, rối loạn nhân cách thực tổn, hội chứng sau chấn động não.
- Rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu và các chất có thuốc phiện, tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng, rối loạn loạn thần cấp, rối loạn phân liệt cảm xúc.
- Giai đoạn hưng cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, giai đoạn trầm cảm, phản ứng với stress cấp, các rối loạn sự thích ứng.
- Rối loạn nhân cách Paranoid, rối loạn nhân cách dạng phân liệt, rối loạn nhân cách chống xã hội, rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định, chậm phát triển tâm thần, động kinh.
Trong đó, tại Việt Nam, giám định tâm thần thường gặp đối với những bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần do sử dụng các chất kích thích, rối loạn nhân cách, chậm phát triển tâm thần, sa sút tuổi già…
3. Các hình thức giám định tâm thần
3.1 Giám định nội trú
Giám định tại cơ sở thực hiện giám định tâm lý. Hình thức này được áp dụng với những trường hợp phức tạp và khó chẩn đoán và xác định năng lực hành vi của đối tượng giám định.
3.2 Giám định tại phòng khám
Hình thức giám định tâm lý này được áp dụng với những trường hợp đơn giản, không gặp khó khăn khi chẩn đoán, xác định năng lực và trách nhiệm hành vi của đối tượng giám định.
3.3 Giám định tại chỗ
Hình thức này được áp dụng với những trường hợp đối tượng giám định đang bị giam giữ, không thể đưa ra ngoài vì khó khăn và không an toàn để quản lý.
3.4 Giám định trên hồ sơ (hay còn gọi giám định vắng mặt)
Hình thức giám định tâm thần này chỉ được áp dụng khi đối tượng giám định bị mất tích hoặc chết hoặc những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
3.5 Giám định bổ sung
Hình thức này được áp dụng trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ ràng, đầy đủ hoặc có phát sinh vấn đề mới liên quan đến vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó hoặc theo trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung.
3.6 Giám định lại
Hình thức giám định tâm thần này được thực hiện khi kết luận giám định lần đầu không chính xác
3.7 Giám định lại lần thứ hai
Nếu có sự khác nhau giữa kết luận lần đầu và kết luận giám định lại đối với cùng một nội dung giám định và do người trưng cầu giám định quyết định thì sẽ thực hiện giám định lại lần 2.
4. Các thăm khám trong giám định tâm thần
Thăm khám lâm sàng bao gồm: Khám chi tiết, tỉ mỉ tất cả các hoạt động tâm thần ở đối tượng; khám nội khoa và thần kinh; khám các chuyên khoa khác (nếu cần thiết).
Thăm khám cận lâm sàng với đối tượng giám định tâm thần bao gồm các xét nghiệm cần thiết (xét nghiệm sinh hóa, huyết học; xét nghiệm nước tiểu; chụp X-quang tim, phổi thẳng hoặc nghiêng; chụp X-quang sọ não thẳng và nghiêng; điện não đồ; điện tâm đồ; các trắc nghiệm tâm lý; và các xét nghiệm khác (lưu huyết não; chụp CT Scanner sọ não hoặc MRI sọ não; xét nghiệm HIV) tùy từng trường hợp cụ thể.
Công tác thăm khám trong giám định tâm thần đóng vai trò rất quan trọng từ việc theo dõi trên lâm sàng đến các yếu tố cận lâm sàng. Yêu cầu bác sĩ theo dõi và giám định phải có đủ kinh nghiệm, kiến thức cũng như đạo đức, bản lĩnh để đưa ra chẩn đoán, kết luận giám định chính xác.
5. Giám định tâm thần có được thực hiện bởi bệnh viện tâm thần, cơ sở y tế tế có chuyên khoa tâm thần?
Cần phân biệt rõ hai khái niệm là “bệnh án tâm thần” và “kết luận giám định tâm thần”. Sở dĩ có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm này là do chưa phân biệt được đơn vị thực hiện giám định tâm thần.
Trong đó, bệnh án tâm thần là do bệnh viện tâm thần, cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần, bác sĩ tâm thần khám và chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm để đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh và hướng điều trị. Toàn bộ nội dung thăm khám và điều trị chỉ diễn ra giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Còn kết luận giám định tâm thần là do cơ sở giám định thực hiện và đảm bảo phải có 2 tiêu chí trong kết luận là xác định đối tượng có mắc bệnh tâm thần hay không dựa trên tiêu chuẩn phân loại quốc tế và đánh giá khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Giám định tâm thần là công tác xác định rối loạn tâm thần và đánh giá khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của người bệnh để hỗ trợ các đơn vị công an, tòa án, viện kiểm sát điều tra đồng thời bảo vệ đối tượng giám định.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.