Tiền đình ốc tai là một cấu trúc giúp cơ thể giữ thăng bằng. Các vấn đề bệnh lý hoặc chấn thương có thể dẫn đến tình trạng rối loạn tiền đình. Hội chứng tiền đình là bệnh thường gặp, có biểu hiện chóng mặt và mất thăng bằng, một số trường hợp có thể gặp các vấn đề về thị lực và thính giác.
1. Hội chứng tiền đình cấp tính
Hội chứng tiền đình cấp tính là tổn thương cấp tính một bên tiền đình trung ương hay ngoại biên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân thường gặp như viêm thần kinh tiền đình và tổn thương trung ương, xơ cứng nhiều chỗ,…
Hệ thống tiền đình ngoại biên bao gồm mê đạo tiền đình và thần kinh tiền đình có chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể. Do đó, khi người bệnh mắc hội chứng tiền đình có biểu hiện thường gặp nhất là chóng mặt dực dội mất thăng bằng, ngoài ra có thể có các triệu chứng khác như: ù tai, buồn nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh,…
Hội chứng tiền đình được chia thành 2 nhóm dựa vào vị trí giải phẫu là:
- Hội chứng tiền đình trung ương: khi tổn thương các đường dẫn truyền tiền đình đi tới nhân tiền đình tại thân não.
- Hội chứng tiền đình ngoại biên: khi có tổn thương ở khu vực tai trong, nhân và dây tiền đình.
2. Triệu chứng của tiền đình cấp tính
Hội chứng tiền đình được biểu hiện chủ yếu bằng triệu chứng chủ quan bao gồm chóng mặt, triệu chứng khách quan như mất thăng bằng, rung giật nhãn cầu
- Chóng mặt: là ảo giác vận động, người bệnh có cảm giác đồ vật xung quanh quay cuồng, có thể té ngã lúc chóng mặt, rối loạn dáng đi. Ngoài ra, còn kèm theo các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật như vã mồ hôi, buồn nôn, cảm giác ngã, quay rất mạnh và khó chịu
- Mất thăng bằng: thường gặp trong giai đoạn đầu của hội chứng tiền đình ngoại biên, bệnh nhân không thể đứng được. Ngoài ra, thông qua các nghiệm pháp khám như dấu hiệu romberg, bước đi hình sao,… có thể xảy ra ở mức độ vừa phải.
- Rung giật nhãn cầu: là một vận động tự động của hai nhãn cầu, đặc trưng bởi sự xuất hiện liên tục có nhịp, đều đặn và sự liên tục thay đổi hướng của sự chuyển động xen kẽ nhau,…
3. Chẩn đoán tiền đình cấp tính
Để chẩn đoán hội chứng tiền đình cấp, bác sĩ sẽ dựa trên những biểu hiện lâm sàng của người bệnh và kết hợp với kết quả xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Các xét nghiệm cơ bản
- XQ cột sống cổ đánh giá hẹp khe khớp
- Siêu âm hệ mạch cảnh đốt sống, xác định mảng xơ vữa, bóc tách động mạch gây tắc mạch, hẹp mạch
- Chụp CT-Scaner sọ não, MRI sọ não tìm các tổn thương như tai biến mạch máu não, u góc cầu tiểu não,…
Những triệu chứng của hội chứng tiền đình cấp tình giống với đột quỵ. Do đó, cần chẩn đoán phân biệt giữa hội chứng tiền đình cấp tính với đột quỵ.
Người có hội chứng tiền đình cấp tính thường có biểu hiện chóng mặt kiểu xoay tròn, nghiêng ngả một bên hay lắc lư, có thể do tổn thương các ống bán khuyên hay hệ thống tiền đình trung ương. Chóng mặt cấp thường đi kèm với cảm giác mất thăng bằng khi đi đứng và phối hợp với buồn nôn, nôn và rối loạn thần kinh thực vật.
Dựa vào diễn biến, thời gian và tái phát ảo giác vận động để xác định nguyên nhân chóng máu cấp như:
- Vài giây đến vài phút: do chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, cơn thoáng thiếu máu động mạch sống nền
- Vài phút đến vài giờ: bệnh Meniere, migraine kèm chóng mặt
- Vài ngày: viêm thần kinh tiền đình, đột quỵ tiểu não, viêm mê đạo, bệnh lý thoái hóa myeline.
- Thường xuyên chóng mặt, không cải thiện trong nhiều tuần: do tâm lý
4. Điều trị tiền đình cấp tính
Điều trị hội chứng tiền đình cấp tính còn tùy thuộc vào nguyên nhân và quan trọng nhất là xử trí những cơn chóng mặt cấp để phòng tránh tai nạn cho người bệnh
- Chống chóng mặt: gồm có các loại thuốc như tanganil 500mg dạng tiêm và dạng uống
- Chống nôn: Metoclopramid
- Bù điện giải bằng dung dịch đẳng trương nếu bệnh nhân nôn nhiều
- An thần: Seduxen
Hội chứng tiền đình cấp tính là tổn thương cấp tình do nhiều nguyên nhân, bệnh nhân thường có biểu hiện chóng mặt dữ dội, mất thăng bằng nên dễ xảy ra chấn thương, tai nạn, té ngã. Do đó, khi thấy có những biểu hiện bất thường, bệnh nhân cần được người nhà đưa đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có can thiệp kịp thời.