Rách gân cơ là một chấn thương xảy ra khi cơ bị căng quá mức, gây đứt một phần hoặc hoàn toàn nhóm cơ đó. Một trong những vị trí hay gặp nhất của bệnh lý này là rách gân cơ đùi sau.
1. Đặc điểm của gân cơ đùi sau
Nhóm cơ đùi sau (hay còn gọi là cơ Hamstring) là tập hợp của 3 cơ (cơ nhị đầu đùi, cơ bán gân và cơ bán màng) nằm ở phía sau vùng đùi. Vị trí bám của nhóm cơ đùi sau là ụ ngồi của khung chậu ở phía trên và phần sau của đầu gối ở phía dưới.
Chức năng chính của nhóm gân cơ đùi sau là thực hiện các động tác khác nhau như gập gối, duỗi đùi và đóng vai trò rất quan trọng trong các động tác hằng ngày như chạy, nhảy và vận động chung của toàn cơ thể.
2. Rách gân cơ đùi sau là gì?
Rách gân cơ đùi sau là hiện tượng các sợi cơ bị căng giãn quá mức hoặc thậm chí là các sợi cơ bị xé rách một phần hoặc hoàn toàn. Vị trí rách gân cơ đùi sau có thể nằm ở điểm bám của 3 cơ thuộc nhóm cơ đùi sau hoặc nằm dọc theo đường đi của các sợi cơ. Đôi khi các sợi cơ rách có thể nhận biết bằng tiếng “phựt”.
Rách gân cơ đùi sau được chia thành 3 mức độ khác nhau:
- Rách gân cơ đùi sau độ 1: Đây là mức độ nhẹ nhất và có tiên lượng tốt khi các sợi cơ chỉ bị kéo căng quá mức, chưa bị đứt rách. Bệnh nhân chỉ cảm giác đau và hơi sưng phù nhẹ ở sau đùi.
- Rách gân cơ đùi sau độ 2: Ở mức độ này thì các sợi cơ đã bị rách một phần hoặc đôi khi một phần cơ đã tách khỏi bao gân. Lúc này bệnh nhân cảm thấy sưng đau nhiều hơn và thực hiện một số động tác khó khăn hơn bình thường.
Rách gân cơ đùi sau độ 3: Đây là mức độ nặng nhất của rách gân cơ đùi, nhưng tỉ lệ rất ít gặp. Ở mức độ này thì cơ đùi sau đã bị rách và tách rời hoàn toàn khỏi phần gân. Các biểu hiện thường gặp là cảm giác đau dữ dội, sưng phù nhiều kèm bầm tím và hoàn toàn không còn vận động được các cơ đùi sau
3. Rách gân cơ đùi sau hay gặp ở đối tượng nào?
Cơ chế gây rách gân cơ đùi sau thường gặp là do bệnh nhân xuất phát quá nhanh và dừng lại một cách đột ngột khiến cơ không kịp thích nghi, ví dụ như các hoạt động thể thao gây ra các chấn thương thể thao. Do đó, bệnh lý này hay gặp ở các cầu thủ bóng đá, vận động viên bóng chuyền hoặc bóng rổ.
Bên cạnh đó, rách cơ đùi sau có thể xảy ra cấp tính khi các sợi cơ hoạt động quá sức hoặc mạn tính do các động tác liên quan đến nhóm cơ này lặp đi lặp lại liên tục khiến cơ quá tải dần.
Tuy nhiên, rách gân cơ đùi sau thường gặp nhất là cấp tính trên nền mạn tính có sẵn, nghĩa là các cơ bị quá tải và khi gặp một hoạt động gắng sức quá mức sẽ dẫn đến rách các sợi cơ này. Bên cạnh việc tập luyện và thi đấu thể thao thì một số nguyên nhân có thể dẫn đến rách gân cơ đùi sau bao gồm:
- Bệnh nhân khởi động trước khi làm việc chưa đủ hoặc sai cách.
- Một số người ít hoạt động nên tính linh hoạt của cơ kém.
- Một số tai nạn có thể làm rách gân cơ đùi sau như trượt hoặc ngã
- Nhảy từ một độ cao nhất định
- Chạy nhanh
- Nâng vật nặng quá mức với tư thế không đúng.
4. Dấu hiệu nhận biết rách gân cơ đùi sau
Một hoạt động quá sức kèm một số dấu hiệu sau sẽ giúp gợi ý bệnh nhân có thể bị rách gân cơ đùi sau:
- Bệnh nhân cảm giác đau nhói vùng đùi sau khi gập gối hoặc đi đứng chạy nhảy. Cảm giác đau nhẹ hoặc dữ dội tùy vào mức độ rách gân cơ và nghỉ ngơi thường không giảm đau.
- Sưng, bầm tím vùng đùi sau.
- Yếu cơ hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động của vùng đùi tổn thương.
5. Điều trị rách gân cơ đùi sau như thế nào?
Để điều trị rách gân cơ đùi sau thì một phương pháp rất hiệu quả và có thể sử dụng tại nhà là phương pháp RICE:
- R-Rest là nghỉ ngơi: Khi cơ đùi sau bị rách thì một trong những việc làm quan trọng nhất là cho nhóm cơ này nghỉ ngơi đầy đủ và có thời gian hồi phục những tổn thương.
- I-Ice là chườm lạnh: Sử dụng phương pháp chườm lạnh khoảng 10-15 phút/lần với mục đích giảm sưng và đau hiệu quả. Chườm lạnh nên được áp dụng thực hiện trong vòng 24 giờ sau rách gân cơ đùi.
- C-Compression là băng ép: Băng ép phần cơ bị tổn thương giúp giảm sưng nề và để khối cơ được nghỉ ngơi. Sử dụng vải hoặc băng thun để quấn quanh đùi với lực ép vừa phải.
- E-Elevation là nâng cao phần chân bị tổn thương: Nâng cao chân giúp phần đùi giảm sưng nề và hỗ trợ máu hoặc dịch viêm đổ về tim dễ dàng hơn.
Một số thuốc bệnh nhân rách cơ đùi sau có thể sử dụng để kiểm soát cơn đau và giảm sưng bao gồm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen, hoặc thuốc giảm đau đơn thuần là Acetaminophen (Paracetamol). Ngoài ra bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ như thuốc giãn cơ, thuốc chống phù nề.
Tùy theo mức độ tổn thương mà điều trị rách gân cơ đùi sau sẽ khác nhau. Rách cơ đùi sau độ 1 thì bệnh nhân chỉ cần nghỉ ngơi vài tuần là có thể hồi phục hoàn toàn. Còn đối với độ 2, 3 thì đôi khi cần vào viện để xử trí chuyên khoa hoặc phức tạp nhất thậm chí cần phải phẫu thuật để phục hồi khối cơ đứt.
6. Rách gân cơ đùi sau bao lâu thì lành?
Với mỗi cấp độ rách gân cơ đùi sau khác nhau thì thời gian hồi phục cũng khác nhau. Rách cơ độ 1 và 2 thì thời gian phục hồi từ 3-5 tuần và bệnh nhân có thể trở lại hoạt động thường ngày. Nghiêm trọng nhất là rách gân cơ đùi sau độ 3 hoặc bệnh nhân sau phẫu thuật nối cơ thì cần đến khoảng 6 tháng phục hồi kèm vật lý trị liệu mới có thể hoạt động bình thường trở lại.
7. Dự phòng rách gân cơ đùi sau
- Có các động tác khởi động kỹ nhóm cơ đùi sau nói riêng và các nhóm có khác nói chung trước khi vận động mạnh.
- Chế độ dinh dưỡng và tập luyện mỗi ngày để duy trì sức khỏe, cân nặng cũng như tăng sức chịu đựng cho các cơ đùi sau.
- Tránh vận động sai tư thế hoặc nâng vật nặng quá mức.
- Sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động, dụng cụ thể dục thể thao giúp giảm rủi ro gây rách gân cơ đùi sau.
- Riêng đối với các vận động viên chuyên nghiệp thì nên tuân thủ sử chỉ dẫn của huấn luyện viên, bác sĩ riêng cũng như có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Có rất nhiều nguyên nhân gây rách gân cơ đùi sau nhưng tình trạng này thường gặp ở các vận động viên thể thao, hoạt động quá sức, ít hoạt động, khởi động chưa đủ,… Tùy theo mức độ của bệnh sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY