Những bệnh nhân nghiện rượu sau thời gian ngừng uống rượu sẽ có thể xuất hiện tình trạng sảng rượu với các biểu hiện lâm sàng như mê sảng, ảo giác… Sảng rượu là căn bệnh nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
1. Bệnh sảng rượu là gì?
Bệnh sảng rượu là một cấp cứu tâm thần tối khẩn cấp. Bệnh phát triển trên nền hội chứng nghiện rượu nặng. Tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh sảng rượu là 22 – 33%, nếu không được điều trị và phát hiện kịp thời, đúng cách.
Sảng rượu gồm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn thứ 1: Giai đoạn khởi phát
Căn bệnh sảng rượu có khởi phát đột ngột, trong khoảng thời gian từ một đến vài ngày sau khi người bệnh ngừng uống rượu. Bệnh nhân mắc bệnh sảng rượu sẽ có những biểu hiện ban đầu như mất ngủ, run, rối loạn thần kinh thực vật, bị chếnh choáng. Từ khi ngừng rượu đến khi sảng rượu thường từ 1 – 2 ngày nhưng có trường hợp phải từ sau 3 – 4 ngày.
Sảng rượu luôn bắt đầu từ những cơn co giật kiểu động kinh. Vì vậy, bệnh nhân cai rượu xuất hiện các cơn co giật kiểu động kinh thì phải đề phòng bệnh sảng rượu.
- Giai đoạn thứ 2: Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn này thường xuất hiện sau khi cai rượu 3 – 5 ngày. Bệnh nhân bị sảng rượu sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
Triệu chứng rối loạn ý thức: Người bệnh bị rối loạn định hướng, rối loạn thời gian. Không biết bản thân mình là ai.
Bị chứng hoang tưởng: Bệnh nhân sẽ có các ảo giác, hoang tưởng bị hại biểu hiện mạnh mẽ. Triệu chứng hoang tưởng và những ảo giác sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào, chúng chi phối mọi hành động của người bệnh.
Người mắc bệnh sảng rượu thường hay vùng chạy đột ngột, tấn công những kẻ thù vô hình…những hành động này có thể gây ra các tai nạn ngoài ý muốn cho chính bản thân người mắc bệnh và cả những người xung quanh.
Thông thường, các triệu chứng của bệnh sảng rượu sẽ giảm về buổi sáng và tăng nhiều lên vào chiều tối.
2. Sự nguy hiểm của căn bệnh sảng rượu
Người cai rượu khi lên cơn sảng, thường la hét, vật vã dữ dội. Khi mắc bệnh, cần phải điều trị kịp thời nếu không sẽ dẫn đến tử vong.
Hiện nay, căn bệnh sảng rượu không phải là hiếm gặp. Theo các bác sĩ, những người mắc bệnh sảng rượu thường chạy, thậm chí nhảy từ trên cao xuống đất. Họ không điều chỉnh hành vi của bản thân.
Tình trạng sảng rượu thường hay gặp ở người bệnh đang uống rượu thường xuyên sau đó không uống được nữa, bên cạnh đó, bệnh cũng có thể xuất hiện đối với người không uống được rượu, hoặc uống ít cũng xuất hiện ảo giác, hoang tưởng. Những bệnh nhân này rất khó để điều trị, nguy hiểm nhất là xuất hiện tình trạng co giật, hạ đường máu, rối loạn điện giải…bệnh nhân không được điều trị tốt thì tỷ lệ tử vong khá cao.
Những bệnh nhân nghiện rượu có sức đề kháng kém, hay bị nhiễm trùng, chính vì vậy sau khi ngừng rượu, bệnh nhân thường có cảm giác mệt mỏi, ủ rũ khiến quá trình cai rượu càng thêm khó khăn. Nguy hiểm nhất đối với những người mắc bệnh sảng rượu vẫn tiếp tục uống rượu là nguy cơ mắc u xơ gan, ung thư gan.
Đối với người nghiện rượu mãn tính, sau khi ngưng rượu, sẽ cảm thấy bồn chồn, mất ngủ, buồn bã, lo âu, run tay chân hoặc co giật…Tính cách của người bệnh cũng thay đổi rõ rệt, trở nên hung dữ hơn, ác độc hơn…
Bệnh nhân sảng rượu thường có biểu hiện hay quên, trí nhớ bị rối loạn nặng nề. Càng về sau, tinh thần càng sa sút, trở nên ngu đần, chậm chạp.
Bệnh nhân sảng rượu sẽ có nguy cơ bị rối loạn tâm thần cấp tính và rất nặng nề: mê sảng (không nhận thức được về những thứ xung quanh, luôn có cảm giác ghê rợn như có người muốn tấn công bản thân,…hoặc nghe thấy tiếng nói đe dọa giết mình. Vì vậy, người mắc bệnh sảng rượu thường có những hành vi cực kỳ nguy hiểm như tấn công người khác, giết người), run lẩy bẩy (người bệnh bị run tay, run chân, run toàn thân, các triệu chứng có thể đi kèm như đi đứng loạng choạng, mồ hôi đổ đầm đìa…).
Khi mắc bệnh sảng rượu, người bệnh cần được điều trị tại phòng cấp cứu của khoa tâm thần, có máy hút, bình oxy, và có các thiết bị khác để có hướng xử lý kịp thời:
- Bệnh nhân cần được cố định tại giường.
- Cho người bệnh uống rượu vang hoặc ngửi bông tẩm cồn để làm giảm các triệu chứng sảng rượu.
- Thực hiện chế độ hộ lý cấp 1.
- Thực hiện hút đờm và cho thở oxy nếu cần.
- Thực hiện các xét nghiệm cần thiết đặc biệt là đường máu.
- Kê đơn thuốc.