Trà từ lâu đã trở thành một trong những món đồ uống phổ biến nhất trên thế giới. Trà không chỉ được biết đến bởi hương vị ngon, nhẹ nhàng và tươi mát mà còn được ca vì nhiều lợi ích sức khỏe tiềm năng của nó. Tannin là một nhóm các hợp chất được tìm thấy trong trà, biết đến với hương vị riêng biệt và tính chất hóa học có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe.
1. Tannin là gì?
Tannin là một loại hợp chất hóa học nằm trong một nhóm lớn hơn các hợp chất gọi là polyphenol. Các phần tử của Tannin thường lớn hơn so với các loại hợp chất khác được tìm thấy trong nhóm polyphenol. Tannin có khả năng dễ dàng kết hợp với các phân tử khác, chẳng hạn như protein và khoáng chất.
Tannin được tìm thấy tự nhiên trong nhiều loại thực vật ăn được và không ăn được, bao gồm vỏ cây, lá cây, các loại cây gia vị, các loại hạt, trái cây và các loại đậu. Tannin tồn tại trong thực vật như một hợp chất giúp chống lại sâu bệnh. Tannin cũng đóng góp màu sắc và hương vị cho nhiều thực phẩm thực vật.
Một số nguồn tannin phong phú nhất và phổ biến nhất bao gồm trà, cà phê, rượu vang và sô cô la. Hương vị đắng đặc trưng của những thực phẩm và đồ uống này thường được tạo nên bởi hàm lượng tannin dồi dào.
2. Lượng Tannin giao động trong các loại trà
Mặc dù trà thường được coi là một nguồn tannin phong phú, thế nhưng, lượng Tannin trong các loại trà dao động dựa trên nhiều yếu tố.
Bốn loại trà chính gồm trà trắng, đen, xanh và ô long, tất cả đều được làm từ lá của một loại cây có tên Camellia sinensis. Mỗi loại trà đều chứa tannin, nhưng nồng độ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cách thức và thời gian mà các lá trà được xử lý.
Một số nguồn tin cho biết trà đen có nồng độ tannin cao nhất trong các loại, trong khi trà xanh thường được cho là có mức thấp nhất.
Trà trắng và trà ô long thường có hàm lượng Tannin ở mức trung bình, nhưng số lượng trong mỗi loại có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào cách tà được sản xuất. Thông thường, các loại trà chất lượng thấp hơn thường có nồng độ tannin cao hơn và khi ngâm trà càng lâu thì nồng độ tannin trong cốc trà càng cao.
3. Tannin và lợi ích sức khỏe
Có nhiều loại tannin khác nhau được tìm thấy trong trà, và cách các hợp chất này ảnh hưởng đến cơ thể con người vẫn chưa được hiểu rõ.
Tuy nhiên, những nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng Tannin trong trà có các đặc tính tương tự như các polyphenol khác, giúp ngăn ngừa bệnh bằng cách cung cấp các lợi ích chống oxy hóa và kháng khuẩn. Dưới đây là một số loại Tannin được cho là có tác dụng tích cực lên sức khỏe con người.
3.1 Epigallocatechin gallate
Một trong những tannin chính được tìm thấy trong trà xanh được gọi là epigallocatechin gallate (EGCG).
EGCG thuộc về một nhóm các hợp chất được gọi là catechin, được cho là một trong những lý do đằng sau nhiều lợi ích sức khỏe của trà xanh.
Các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cho thấy rằng EGCG có thể đóng vai trò trong việc giảm viêm, bảo vệ chống lại tổn thương tế bào và một số bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim và ung thư.
3.2 Theaflavin và thearubigins
Trà cũng cung cấp nguồn cung dồi dào của hai nhóm tannin được gọi là theaflavin và thearubigins. Các loại trà đen có chứa hàm lượng tannin đặc biệt cao, 2 loại hợp chất trên được cho là nguyên do làm nên màu trà đặng trưng của trà đen.
Hiện tại, lượng thông tin về theaflavin và thearubigins là khá hạn chế. Tuy nhiên, nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng chúng hoạt động như các chất chống oxy hóa mạnh và có thể bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra.
Tuy nhiên, hầu hết các bằng chứng về theaflavin và thearubigins chỉ giới hạn trong các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật.
3.3 Ellagitannin
Một loại Tannin phổ biến khác được tìm thấy trong trà được gọi là Ellagitannin. Nghiên cứu cho thấy ellagitannin có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng và hoạt động của các lợi khuẩn đường ruột. Ellagitannin cũng được biết đến bởi tác dụng tiềm năng trong điều trị và phòng ngừa ung thư.
Giống như các loại Polyphenol khác, Ellagitannin được cho là có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ. Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã cho thấy rằng hợp chất này cũng có thể đóng vai trò trong việc làm giảm sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư.
Tuy nhiên, cần nhiều các nghiên cứu y học hơn nữa để đưa ra kết luận rằng liệu ellagitannin có tác dụng chống ung thư hay không và liệu có hợp lý để đưa vào kế hoạch điều trị hoặc phòng ngừa ung thư.
4. Một số mặt trái
Mặc dù tannin trong trà cung cấp một số lợi ích sức khỏe, việc tiêu thụ quá mức có thể dẫn đến tác dụng phụ tiêu cực.
Tannin là hợp chất duy nhất có khả năng dễ dàng liên kết với các hợp chất khác. Đồng thời là yếu tố mang đến cho trà hương vị đắng đặc trưng, nhưng Tannin cũng có thể làm giảm một số quá trình tiêu hóa nhất định.
4.1 Giảm hấp thụ sắt
Một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với tannin là khả năng cản trở sự hấp thụ sắt. Trong đường tiêu hóa, tannin có thể dễ dàng liên kết với chất sắt có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật, gây ra cản trở trong quá trình hấp thụ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng ảnh hưởng này không có khả năng gây ra tác hại đáng chú ý ở những người có nồng độ sắt cân bằng trong cơ thể, tuy nhiên có thể gây ra vấn đề hấp thụ đối với những người có triệu chứng thiếu sắt.
Vì vậy, nếu cơ thể có hàm lượng sắt thấp nhưng người dùng vẫn muốn sử dụng trà, người dùng có thể hạn chế rủi ro bằng cách tiêu thụ trà với thực phẩm giàu chất sắt.
4.2 Có thể gây buồn nôn
Hàm lượng tannin cao trong trà có thể dẫn đến buồn nôn khi được tiêu thụ lúc đói. Điều này có thể đặc biệt ảnh hưởng đến những người có hệ thống tiêu hóa nhạy cảm.
Triệu chứng này có thể được hạn chế bằng cách sử dụng trà mỗi buổi sáng với một số thực phẩm khác hoặc thêm sữa vào tách trà. Protein và carbohydrate từ thực phẩm có thể liên kết với một số tannin, giảm thiểu khả năng kích thích đường tiêu hóa. Ngoài ra, người sử dụng nên cân nhắc tiêu thụ một lượng trà vừa phải trong một khẩu phần.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.