Thoát vị đĩa đệm là đĩa đệm bị di chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, khi bị tác động hoặc bị sang chấn hoặc đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách, và trên lâm sàng thường biểu hiện chứng đau về thần kinh.
1. Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm
- Khi các nhóm cơ bị kích thích làm đau kịch phát khi cử động như :cúi, ho hắt hơi hoặc làm gắng sức. Khi ngồi lâu làm cho đau tăng lên, hoặc đứng hoặc nằm sấp.
- Thoát vị đĩa đệm vùng thấp của lưng: làm đau lưng, có đau hoặc không đau của triệu chứng dây thần kinh tọa.
- Thoát vị đĩa đệm vùng cổ: cứng và đau cổ. Đau lan ra 2 vai và cánh tay (thường là một bên), kèm theo có cảm giác tê kiến bò và nặng tay hoặc yếu cẳng hoặc cánh tay.
- Triệu chứng tê bì tay chân: nhân nhầy của đĩa đệm thoát ra ngoài sẽ chèn ép rễ thần kinh gây đau nhức, tê bì vùng thắt lưng, vùng cổ sau đó dần dần phát triển xuống mông, đùi, bẹn chân và gót chân. Người bệnh bị rối loạn cảm giác, cảm giác như kiến bò trong người.
- Bại liệt, yếu cơ: bị khi ở giai đoạn nặng, bị một thời gian mới phát hiện được. Ở giai đoạn này người bệnh khó có thể đi lại vận động, lâu ngày dẫn tới teo hai chân, teo cơ, liệt các chi phải nằm hoặc ngồi xe lăn.
2. Nguyên nhân
Một số nguyên nhân thoát vị đĩa đệm chính mà một người có thể gặp phải như sau:
- Do làm việc, vận động, lao động quá sức hoặc sai tư thế, dẫn đến đĩa đệm và cột sống bị tổn thương
- Do tuổi tác: là nguyên nhân mà đa số các bệnh nhân gặp phải. Khi quá trình lão hóa diễn ra, đĩa đệm và cột sống bị mất nước, thoái hóa xơ cứng và rất dễ dàng bị tổn thương
- Do chấn thương ở vùng lưng
- Các bệnh lý bẩm sinh như hoặc mắc phải ở vùng cột sống như gù vẹo, thoái hóa cột sống…
- Yếu tố di truyền
Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ của bệnh thoát vị đĩa đệm như:
- Cân nặng của cơ thể: cân nặng của cơ thể càng lớn, gánh nặng cho những đĩa đệm cột sống càng cao, đặc biệt là ở khu vực thắt lưng
- Nghề nghiệp: các đối tượng lao động chân tay, mang vác nặng, sai tư thế đều có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm
3. Chẩn đoán hình ảnh
3.1. X-quang thường quy
Đối với X-quang cột sống chụp trên hai tư thế thẳng và nghiêng thấy được tam chứng Barr:
+ Lệch vẹo cột sống trên phim thẳng.
+ Giảm chiều cao gian đốt sống.
+ Giảm ưỡn cột sống ở phim nghiêng.
Vì đĩa đệm là tổ chức không cản quang nên không thấy được hình ảnh trực tiếp, chỉ có thể đánh giá gián tiếp thông qua sự thay đổi của khe gian đốt sống, các đốt sống kế cận và đường cong cột sống.
3.2. Chụp bao rễ thần kinh
Dùng thuốc cản quang bơm vào khoang dưới nhện của tủy sống, chụp phim hai tư thế thẳng – nghiêng và chếch 3⁄4 phải, trái.
Trên phim thẳng thấy hình ảnh cắt cụt rễ thần kinh, ấn lõm cột thuốc cản quang, (có thể có hình đồng hồ cát), gián đoạn cột thuốc hoặc cắt đứt hoàn toàn cột thuốc cản quang.
Đây là phương pháp cho hình ảnh gián tiếp của thoát vị đĩa đệm bằng hình ảnh hẹp ống sống, lỗ tiếp hợp song không cho được hình ảnh trực tiếp của đĩa đệm nên không phân biệt được chèn ép do các nguyên nhân khác. Hiện nay với sự ra đời của chụp cộng hưởng từ khiến cho chụp bao rễ thần kinh ít được áp dụng.
3.3. Chụp cắt lớp vi tính
Có giá trị trong các trường hợp thoát vị đĩa đệm có thoái hóa xương như vôi hóa dây chằng dọc sau, dày dây chằng vàng và mỏ xương. Tuy nhiên cắt lớp vi tính lại hạn chế trong đánh giá cấu trúc đĩa đệm, mức độ thoát vị.
2.4. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Trên ảnh cộng hưởng từ tổ chức có nhiều nước bị giảm tín hiệu trên ảnh T1 và tăng tín hiệu trên ảnh T2. Đĩa đệm bình thường có ranh giới rõ, giảm tín hiệu trên T1 và tăng tín hiệu trên T2 do có nhiều nước. Các đĩa đệm thoái hóa do không có nước nên trên T2 tín hiệu không tăng so với các đĩa đệm khác. Khối đĩa đệm thoát vị là phần đồng tín hiệu với đĩa đệm và nhô ra phía sau so với bờ sau thân đốt sống thấy rõ trên ảnh T1W và T2W. Thoát vị ra sau hay gặp nhất, dựa trên các ảnh cắt dọc hay cắt ngang để đánh giá các thể thoát vị. Xác định chính xác được vị trí của phần đĩa đệm thoát vị so với ống tủy và các mức độ chèn ép tủy và rễ thần kinh.
Chụp cộng hưởng từ được coi là xét nghiệm có giá trị “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, cho phép loại trừ các tổn thương bên trong tủy sống. Cộng hưởng từ cho hình ảnh ống tủy, hình ảnh đĩa đệm với độ phân giải cao, quan sát được theo nhiều hướng khác nhau, là một phương pháp an toàn, không độc hại cho người bệnh.
4. Điều trị
Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm qua da bằng kỹ thuật chụp DSA:
4.1. Phương pháp vô cảm: Gây tê tại chỗ bằng Lidocain 2% (2-10ml).
4.2. Kỹ thuật
- Đặt người bệnh lên bàn tăng sáng.
- Đặt đường truyền tĩnh mạch.
- Định vị đĩa đệm cần điều trị dưới màn tăng sáng.
- Sát khuẩn vùng tổn thương.
- Bác sĩ rửa tay, mặc áo, đi găng, trải toan vô khuẩn có lỗ lên vị trí cần sinh thiết.
- Gây tê tại chỗ theo từng lớp
- Chọc kim qua da vào đĩa đệm cần điều trị, kiểm soát đường chọc dưới màn tăng sáng.
- Khi kim chọc vào đúng trung tâm nhân nhày đĩa đệm, tùy theo mục đích điều trị mà có thể bơm hóa chất, hoặc đốt nhân nhày đĩa đệm bằng sóng cao tần
- Rút kim.
- Băng vị trí chọc.
5. Phòng bệnh
Các biện pháp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm có thể thực hiện như sau:
- Tập luyện thể dục thể thao bằng các môn thể thao vừa sức, tăng độ dẻo dai của các cơ cạnh cột sống. Điều này có thể giúp làm ổn định cột sống, giảm nguy cơ tổn thương đĩa đệm
- Không mang vác, vận động quá sức hoặc sai tư thế
- Duy trì cân nặng phù hợp với chiều cao, tránh duy trì áp lực quá nặng lên cột sống.
Khi phát hiện cơn đau bất thường ở cột sống, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế, gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và được điều trị kịp thời.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.