Trào ngược dạ dày là căn bệnh phổ biến, hay tái phát, có nguy cơ biến chứng cao nếu không được phát hiện, điều trị tích cực. Bệnh trào ngược dạ dày được phân thành nhiều cấp độ để thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả hơn..
1. Trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày là tình trạng dịch vị trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Dấu hiệu trào ngược dạ dày thường gặp là ợ hơi, ợ chua, đau rát vùng thượng vị, khó nuốt, khó chịu ở ngực, cổ nóng rát, có những cơn co thắt dạ dày, cảm thấy có chất lỏng đắng chảy lên miệng,… Nếu dịch dạ dày nhỏ vào đường thở, bệnh nhân có thể bị khàn giọng, mất giọng, ho, thậm chí khó thở.
Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gồm: Ăn một số loại thực phẩm nhất định làm các cơ thực quản dưới giãn ra gây trào ngược; hoặc biến chứng của tình trạng viêm loét dạ dày cấp tính hay mạn tính.
Trào ngược dạ dày có thể dẫn tới những biến chứng khó lường như: Viêm thực quản mạn tính, ung thư thực quản (biến chứng nguy hiểm nhất), u thực quản và mất giọng,… Vì vậy, chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị tích cực là phương pháp hữu hiệu để kiểm soát tình trạng trào ngược dạ dày, tránh nguy cơ xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
2. Trào ngược dạ dày có mấy cấp độ?
Bệnh trào ngược dạ dày tiến triển theo nhiều cấp độ khác nhau. Việc phân chia các cấp độ giúp đánh giá cụ thể tình trạng của bệnh nhân và có phương hướng điều trị hiệu quả hơn. Theo đó, bệnh thường được phân thành 5 cấp độ là:
- Trào ngược dạ dày độ 0;
- Trào ngược dạ dày độ A;
- Trào ngược dạ dày độ B;
- Trào ngược dạ dày độ C;
- Trào ngược dạ dày độ D.
3. Đặc điểm của từng cấp độ trào ngược dạ dày
3.1 Cấp độ 0
Ở cấp độ 0, axit dạ dày trào ngược với tần suất ít, chưa tác động nhiều tới thực quản, không gây viêm loét thực quản. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng không thường xuyên, dễ gây nhầm lẫn với hiện tượng sinh lý bình thường.
3.2 Cấp độ A
Đây là giai đoạn bệnh mới khởi phát, niêm mạc thực quản đã có dấu hiệu tổn thương nhưng mức độ còn nhẹ. Trào ngược dạ dày cấp độ A là cấp độ phổ biến nhất mà người bệnh phát hiện ra bệnh. Có khoảng 90% bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn này.
Bệnh nhân trào ngược dạ dày cấp độ A có biểu hiện: Nóng rát sau xương ức, nghẹn sau xương ức và ợ chua. Tuy có thể bị nghẹn nhưng việc uống nước hoặc nuốt thức ăn vẫn hoàn toàn bình thường.
Nếu được điều trị đúng cách, bệnh có thể cải thiện nhanh. Trong trường hợp không được phát hiện và điều trị, bệnh nhân sẽ có cảm giác chua miệng nhiều hơn, bị nóng rát vùng hầu họng, đi kèm triệu chứng ho, khó thở và phù nề phế quản do hít phải nhiều dịch vị trào ngược.
3.3 Cấp độ B
Ở cấp độ này, tình trạng trào ngược dạ dày đã xuất hiện viêm nhiễm, vết trợt trên niêm mạc với chiều dài trên 5mm, có thể hội tụ gần nhau hoặc nằm rải rác trong niêm mạc dạ dày, thực quản. Bệnh nhân trong giai đoạn này có biểu hiện đau khi nuốt. Đồng thời, vì tần số tiếp xúc giữa axit trào ngược và niêm mạc thực quản rất lớn, thường xuyên nên các vết trợt bị loét gây đau, khó nuốt, tạo cảm giác vướng và nghẹn khi ăn.
Cảm giác khó nuốt của bệnh nhân sẽ tăng dần vì niêm mạc thực quản bị phù nề, khi lành sẽ để lại sẹo, gây chít hẹp thực quản và làm tăng cảm giác khó nuốt, kể cả với thức ăn mềm và gây đau rát cổ. Ngoài ra, người bệnh còn bị đau âm ỉ trong bụng (vùng phía trên rốn), cơn đau xuất hiện cả khi đói và khi no.
3.4 Cấp độ C
Ở cấp độ C, trào ngược dạ dày gây ra Barrett thực quản. Đây là tình trạng màu sắc và thành phần các tế bào lót ở vùng thấp của thực quản bị thay đổi do chúng tiếp xúc lặp đi lặp lại với axit dạ dày trào ngược. Các vết trợt trên niêm mạc dạ dày và thực quản tập trung thành các vết loét to hơn. Bệnh nhân bị Barrett thực quản thường có biểu hiện ợ nóng, khó nuốt, nóng rát bụng, buồn nôn, nôn ra máu, đau tức ngực, đi ngoài phân đen,… Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn tuổi nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi và nam giới có nguy cơ bị Barrett thực quản cao hơn so với nữ giới.
3.5 Cấp độ D
Đây là cấp độ nguy hiểm nhất của bệnh trào ngược dạ dày. Ở cấp độ này, Barrett thực quản chuyển sản thành tập hợp các vết sẹo và vết loét sâu với mức độ tổn thương rộng. Bệnh nhân có biểu hiện ợ nóng, ợ chua, buồn nôn,… liên tục và thường xuyên mệt mỏi, uể oải. Ở giai đoạn này, nguy cơ bị ung thư là rất cao và cần làm các xét nghiệm mô tế bào để có kết luận chính xác.
4. Lưu ý khi điều trị trào ngược dạ dày
Tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân và cấp độ phát triển của bệnh, mỗi người bệnh sẽ có phương án điều trị phù hợp. Cụ thể, bệnh trào ngược dạ dày ở giai đoạn 0 thường rất khó phát hiện, dễ bị nhầm lẫn sang các bệnh lý khác nên không kịp thời điều trị. Do vậy, việc điều trị trào ngược dạ dày tốt nhất sẽ là ở cấp độ A. Ở giai đoạn này, những tổn thương do bệnh gây ra chưa nhiều vì bệnh mới khởi phát nên việc điều trị triệt để không quá khó khăn. Quan trọng là người bệnh cần đến những cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, có phương án điều trị bệnh thích hợp.
Lưu ý khi thực hiện điều trị trào ngược dạ dày:
- Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, uống thuốc theo đơn, không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị và không tự ý tăng, giảm liều lượng cũng như thời gian sử dụng thuốc;
- Có chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên thực phẩm tốt cho dạ dày và hạn chế thực phẩm có thể gây kích ứng dạ dày;
- Tập thể dục thường xuyên, xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh và cần tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia hay thuốc lá.
Trào ngược dạ dày hoàn toàn có thể được điều trị triệt để nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Vì vậy, khi có triệu chứng cảnh báo bệnh lý này, bệnh nhân nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị tích cực, hiệu quả.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY