Cam thảo có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như giúp bồi bổ, giải độc, bảo vệ gan, tăng sức đề kháng,… Tuy nhiên, khi uống cam thảo cần hết sức thận trọng, người bệnh không nên dùng dài ngày vì cam thảo có một số tác dụng phụ như gây tăng huyết áp, hạ kali máu,… Ngoài ra, cam thảo có nguy cơ gây tương tác với các thuốc dùng đồng thời gây ảnh hưởng sức khỏe người bệnh.
1. Tương tác giữa cam thảo và Warfarin
Warfarin là thuốc chống đông máu, được chỉ định để điều trị chứng huyết khối và ngăn ngừa hình thành huyết khối trong cơ thể. Huyết khối là một tình trạng rất nghiêm trọng, có thể làm nghẽn mạch máu, gây nhồi máu cơ tim, nghẽn tĩnh mạch chi dưới, nghẽn tĩnh mạch phổi,… đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh.
Warfarin được cơ thể phân hủy để đào thải ra khỏi cơ thể. Khi sử dụng Warfarin cùng với cam thảo, cam thảo có thể làm tốc độ phân hủy của Warfarin nhanh hơn, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị của Warfarin, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông ở người bệnh. Do đó, thầy thuốc và bệnh nhân cần đặc biệt thận trọng với kết hợp thuốc này. Hãy đảm bảo kiểm tra các chỉ số đông máu thường xuyên và điều chỉnh liều Warfarin nếu cần thiết.
2.Tương tác giữa cam thảo và thuốc Digoxin
Digoxin là một glycosid trợ tim, được chiết xuất từ lá Digitalis lanata. Uống thuốc Digoxin giúp làm tăng lực co bóp cơ tim và tăng lưu lượng tim. Digoxin được chỉ định trong các trường hợp suy tim và loạn nhịp nhanh trên thất (như cuồng nhĩ, rung nhĩ, nhịp nhanh trên thất).
Cam thảo có thể tương tác với thuốc Digoxin gây các tác động bất lợi đối với sức khỏe người bệnh. Cam thảo chứa axit glycyrrhizic có thể gây tăng huyết áp, giữ muối và nước, ảnh hưởng đến tác dụng điều trị của Digoxin. Mặc khác, sử dụng cam thảo thường xuyên có thể làm mất magie, kali, gây tăng nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ của Digoxin.
Nhìn chung, người bệnh tăng huyết áp, suy tim, tăng áp động mạch phổi, bệnh thận,… cần tránh hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng cam thảo. Hãy kiểm tra nhãn thực phẩm và thuốc để đảm bảo những sản phẩm đang sử dụng không chứa cam thảo hoặc axit glycyrrhizic.
Báo ngay cho bác sĩ nếu sau khi sử dụng cam thảo và Digoxin, người bệnh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc Digoxin như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn, rối loạn thị giác, nhịp tim bất thường,…
2. Tương tác giữa cam thảo và Estrogen
Các nghiên cứu cho thấy cam thảo có thể ảnh hưởng đến nồng độ hormone estrogen trong cơ thể. Sử dụng cam thảo cùng với thuốc estrogen có thể làm giảm tác dụng của thuốc estrogen. Do đó, hạn chế sử dụng cam thảo cùng các dạng thuốc estrogen như ethinyl estradiol, estradiol,…
3. Tương tác giữa cam thảo và Acid Ethacrynic
Cam thảo có thể làm cơ thể tăng đào thải kali. Thuốc Acid Ethacrynic cũng làm cơ thể tăng đào thải kali. Khi uống cam thảo kết hợp với Acid Ethacrynic sẽ làm tăng nguy cơ lượng kali trong cơ thể xuống quá thấp.
Theo đó, hạ kali máu có thể gây ra các biến chứng như nhịp tim chậm, giảm sức co bóp cơ tim, nhịp nhanh xoắn đỉnh, rối loạn nhịp tim… có nguy cơ dẫn đến ngừng tim nếu không được can thiệp kịp thời.
4. Tương tác giữa cam thảo và thuốc Furosemid
Tương tự như tương tác với Acid Ethacrynic, khi uống thuốc cam thảo với Furosemid sẽ làm tăng nguy cơ hạ kali máu, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe người bệnh.
5. Tương tác với các thuốc chuyển hóa qua gan
Cam thảo có thể làm giảm tốc độ chuyển hóa của một số thuốc chuyển hóa qua gan. Khi uống cam thảo trong thời gian điều trị bằng những loại thuốc này sẽ làm tăng tác dụng dược lý và tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, gây ra những hậu quả khó đoán trước với sức khỏe người bệnh. Do đó, nếu sử dụng cam thảo thường xuyên, người bệnh hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết các loại thuốc mình đang sử dụng có bị chuyển hóa qua gan hay không.
Một số loại thuốc chuyển hóa qua gan cần hết sức lưu ý khi sử dụng chung với cam thảo là:
- Ketamine, Phenobarbital, Orphenadrine, Secobarbital, Dexamethasone
- Celecoxib, Diclofenac, Fluvastatin, Glipizide, Ibuprofen, Irbesartan, Losartan, Phenytoin, Piroxicam, Tamoxifen, Tolbutamide, Torsemide, Warfarin
- Lovastatin, Ketoconazole, Itraconazole, Fexofenadine, Triazolam
6. Tương tác giữa cam thảo và thuốc điều trị tăng huyết áp
Sử dụng một lượng lớn cam thảo có nguy cơ gây tăng huyết áp. Do gây tăng huyết áp nên cam thảo có thể gây giảm hiệu quả của thuốc điều trị huyết áp cao. Một số thuốc điều trị tăng huyết áp có thể bị ảnh hưởng bởi cam thảo như: captopril, enalapril, losartan, valsartan, diltiazem, amlodipine, hydrochlorothiazide, furosemide ,….
7. Tương tác giữa cam thảo và các thuốc chống viêm Corticosteroid
Uống cam thảo sẽ gây nguy cơ tăng huyết áp, giữ natri, nước, hạ kali máu,… Các thuốc chống viêm corticosteroid cũng có tác dụng phụ tương tự. Do đó, khi sử dụng đồng thời cam thảo và các thuốc chống viêm corticoid, nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ trên sẽ tăng cao. Một số loại thuốc chống viêm corticosteroid thường được sử dụng gồm: Dexamethasone, Hydrocortisone, Methylprednisolone, Prednisone,…
Theo đó, người bệnh điều trị corticosteroid kéo dài nên tránh hoặc hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm có chứa cam thảo. Ngay cả với liều lượng vừa phải, cam thảo cũng có thể gây vấn đề nếu sử dụng trong thời gian dài.
Cam thảo là một vị thuốc đem lại rất nhiều công dụng chữa bệnh, nhưng trong một số trường hợp có thể gây tương tác thuốc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Vì thế, khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào người bệnh cần thông báo với bác sĩ và sử dụng đúng theo chỉ dẫn.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY