Viêm quanh khớp vai là bệnh thường gặp, nhưng không mấy người bệnh quan tâm điều trị sớm và triệt để ngay từ đầu. Viêm quanh khớp vai có thể gây tàn phế, và thường gặp ở những bệnh nhân có tâm lý chủ quan khi mắc bệnh.
1. Viêm quanh khớp vai gây tàn phế thế nào?
Khớp vai là khớp đặc biệt có tầm vận động rộng nhất trong các khớp cơ thể. Viêm quanh khớp vai là bệnh thường gặp, gây đau và hạn chế vận động khớp vai, với những triệu chứng ban đầu có thể chỉ đau âm ỉ nhẹ nên nhiều người thường bỏ qua không đi khám và điều trị cho tới khi đau nhiều hơn, giảm khả năng vận động vai tay, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động, sinh hoạt.
Viêm quanh khớp vai là bệnh gây tổn thương phần mềm quanh khớp chủ yếu là gân, cơ, dây chằng, bao khớp. Không có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch.
Viêm quanh khớp vai rất thường gặp, đặc biệt ở những người từ 40-60 tuổi, chiếm tỉ lệ khoảng 3-5% người ở độ tuổi này. Bệnh có tỷ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn ở nữ. Viêm quanh khớp vai có các thể:
Viêm quanh khớp vai đơn thuần do viêm gân, viêm dây chằng quanh khớp với biểu hiện chính là đau, không có hạn chế vận động vai, không có yếu cơ
Viêm quanh khớp vai thể cấp: do viêm túi thanh mạc cấp tính với các biểu hiện đau đột ngột, dữ dội, bệnh nhân mất ngủ vì đau, cơn đau có thể lan rộng khắp vai, lan xuống tay, lan lên cổ hoặc xuống tận bàn tay, làm mất vận động cánh tay, bệnh nhân thường để tay áp sát thân, không thực hiện được các động tác của vai tay vì đau.
Viêm quanh khớp vai thể giả liệt do đứt bán phần hay đứt toàn phần gân cơ chóp xoay với các biểu hiện đau, mất vận động chủ động nâng cánh tay về trước, , dạng vai sang ngang hay xoay ngoài chủ động khớp vai
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng do co thắt bao khớp, viêm mạn tính gây dày bao khớp với các biểu hiện hạn chế cử động khớp vai mọi hướng đặc biệt là các động tác như gãi lưng, gài dây áo lót, chống nạnh, với tay lên cao…
Viêm quanh khớp vai thường chỉ thấy ở một bên, tuy nhiên cũng có trường hợp cả hai bên cùng bị đặc biệt hay gặp ở bệnh nhân đái đường, bị bệnh lý khớp như viêm khớp dạng thấp. Viêm quanh khớp vai bản thân nó không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Những cơn đau dai dẳng, đau khi cử động hay khi ngủ về đêm hoành hành người bệnh, làm hạn chế vận động khớp vai, nếu không điều trị bệnh kéo dài, đau đớn tăng lên nhiều hơn, khó điều trị hơn. Và nhiều trường hợp người bệnh với hội chứng vai – tay nếu không điều trị sớm triệt để hoàn toàn có thể dẫn đến mất chức năng tay, trở thành tàn phế.
2. Điều trị sớm viêm quanh khớp vai để đạt hiệu quả tốt nhất
Nguyên tắc chung trong điều trị viêm quanh khớp vai là gồm điều trị đợt cấp và điều trị duy trì. Trong đó, cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau trong điều trị như nội khoa, phục hồi chức năng, ngoại khoa. Cụ thể:
- Điều trị Nội khoa
Điều trị nội khoa có thể cần dùng một vài hoặc tất cả các loại thuốc sau:
+ Thuốc giảm đau thông thường
Cần sử dụng thuốc giảm đau theo bậc thang của Tổ chức Y tế Thế giới, chọn 1 trong các thuốc sau: acetaminophen; acetaminophen kết hợp với codein hoặc tramadol.
+ Thuốc chống viêm không steroid
Có thể dùng một trong các thuốc sau: Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam, Celecoxib.
+ Tiêm corticoid tại chỗ (áp dụng với thể viêm khớp vai đơn thuần)
Thuốc tiêm tại chỗ corticoid thường sử dụng là các muối của corticoid như betamethasone dipropionate, methylprednisolone acetat, betamethasone sodium phosphat. Chỉ tiêm 1 lần duy nhất, thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm.
Sau 3-6 tháng có thể chỉ định tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân bị đau trở lại.
Tránh tiêm ở bệnh nhân có đứt gân bán phần do thoái hóa vì có thể dẫn đến hoại tử gân và đứt gân hoàn toàn.
+ Nhóm thuốc chống thoái hóa khớp có tác dụng chậm như:
Glucosamin sulfat.
Diacerein (Có thể duy trì 3 tháng).
+ Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân
Phương pháp tiêm này áp dụng cho các thể có đứt các gân cơ chóp xoay bán phần do chấn thương với bệnh nhân < 60 tuổi.
+ Thực hiện chế độ sinh hoạt và vận động hợp lý
Trong giai đoạn viêm cấp tính, bệnh nhân cần để cho vai được nghỉ ngơi. Sau khi điều trị giảm viêm cấp thì có thể bắt đầu tập luyện để phục hồi chức năng khớp vai, có sự chỉ định và giám sát của bác sĩ.
Đồng thời, tránh lao động quá mức trong một thời gian dài, hạn chế các động tác mạnh hay đột ngột dang vai hay xoay vai quá mức.
+ Nội soi ổ khớp lấy các tinh thể calci lắng đọng
Phương pháp này áp dụng cho các thể đứt gân .
- Điều trị Ngoại khoa
Phẫu thuật chỉ định với thể giả liệt, nhất là ở người trẻ tuổi có đứt các gân vùng khớp vai do bị chấn thương. Phẫu thuật sẽ nối gân bị đứt, nếu thực hiện ở người lớn tuổi (> 60 tuổi) bị đứt gân do thoái hóa thì cần thận trọng.
Sau khi phẫu thuật, cần tái khám định kỳ sau 1-3 tháng tùy tình trạng bệnh để theo dõi, kiểm tra tình trạng gân, bao gân và cả khớp vai.
Ngoài ra, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sẽ thực hiện kết hợp để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
Hiện nay, trong điều trị Viêm quanh khớp vai, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa vào áp dụng phương pháp mới có tính an toàn cao, hiệu quả cải thiện triệu chứng viêm tốt là PRP (Huyết tương giàu tiểu cầu).
Nguyên lý điều trị dựa vào dùng huyết tương được chiết xuất từ chính máu của người bệnh, giàu tiểu cầu để chúng giải phóng yếu tố tăng trưởng, các phân tử sinh học tự kích thích mô tế bào phục hồi nhanh tại chỗ. Do đó, có thể nói phương pháp điều trị này chỉ thúc đẩy quá trình tự nhiên cơ thể, có tính an toàn tương đối cao.
Máu được lấy từ chính người bệnh, chắc chắn không xảy ra khả năng lây nhiễm bệnh, dị ứng hay phản ứng không tương thích. Huyết tương sau xử lý được tiêm vào trong khớp, triệu chứng viêm đau sẽ cải thiện nhanh chóng. Không chỉ hiệu quả trong điều trị viêm quanh khớp vai, điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu còn kích thích phục hồi các mô tế bào bị tổn thương tự tái tạo, tăng khả năng phục hồi chức năng vận động khớp vai.
PRP được đánh giá là phương pháp mới đạt thời gian phục hồi ngắn, hiệu quả lâu dài và đặc biệt an toàn. Với PRP, Viêm quanh khớp vai hay các bệnh viêm khớp khác không còn là nỗi lo nữa.
Như vậy, viêm quanh khớp vai có thể gây tàn phế nếu không được điều trị sớm và hiệu quả. Điều trị bệnh cần kiên trì, tuân thủ liệu trình điều trị bác sĩ đưa ra kết hợp với thực hiện sinh hoạt hợp lý.