Rối loạn tiền đình có thể gây ra do tổn thương của hệ thần kinh trung ương, bệnh tại hệ thống tiền đình, tim mạch, mắt, tâm thần và đôi khi gây ra do một số loại thuốc, trong đó đa số là do tổn thương tiền đình.
1. Vì sao rối loạn tiền đình gây khó chịu?
Rối loạn tiền đình là bệnh lý gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến hơn ở độ tuổi trưởng thành. Bệnh gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.
Tiền đình là một bộ phận nằm ở phía sau ốc tai hai bên – đây là một hệ thống giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự thăng bằng của cơ thể, điều chỉnh thăng bằng tư thế, cử chỉ và các phối hợp khác của cơ thể như cử động mắt, đầu và thân mình.
2. Nguyên nhân rối loạn tiền đình
Các nguyên nhân chủ yếu gây tiền đình:
- Huyết áp thấp, thiếu máu não, tai biến, các bệnh về tim mạch,… gây tắc nghẽn mạch máu.
- Stress (mất ngủ, áp lực công việc). Khi căng thẳng, cơ thể sản sinh một lượng lớn cortisol làm gây tổn thương hệ thống thần kinh. Trong đó dây thần kinh số 8 bị tổn hại, làm cho hệ thống tiền đình nhận được thông tin không chính xác và hoạt động không đúng yêu cầu.
- Biến chứng của một số bệnh như viêm dây thần kinh, u não, u dây thần kinh, viêm tai giữa,….
- Người cao tuổi bị suy giảm chức năng của một số cơ quan.
- Béo phì hoặc suy dinh dưỡng cũng là những nguyên nhân gián tiếp gây rối loạn tiền đình.
- Lạm dụng rượu bia.
3. Phòng tránh rối loạn tiền đình
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Với những người làm việc ở văn phòng, ngồi nhiều giờ bên máy tính liên tục nên thường xuyên tập các bài tập vận động vùng cổ, vai gáy.
- Tránh căng thẳng, stress kéo dài.
- Không nên đọc sách báo khi ngồi ô tô, ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Không nên để tình trạng cơ thể quá thiếu nước.
- Hạn chế uống bia, rượu, hút thuốc lá.
- Đối với những người bị rối loạn tiền đình nên chú ý hoạt động vùng đầu cổ nhẹ nhàng.
- Không nên quay cổ đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh.
Việc điều trị rối loạn tiền đình hiện nay chủ yếu là điều trị nội khoa và tuyệt đối phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về sử dụng thuốc, người bệnh không được tự ý điều trị hoặc điều trị không tuân thủ chế độ y lệnh của bác sĩ, có như thế mới có thể đạt được hiệu quả và đề phòng tái phát.
Xoa bóp hỗ trợ điều trị rối loạn tiền đình
Các động tác xoa bóp vùng đầu giúp thúc đẩy tuần hoàn máu lên não, làm giảm các triệu chứng rối loạn tiền đình như chóng mặt, nhức đầu. Các động tác này thường được thực hiện xen kẽ trước và sau khi bấm huyệt nhằm hỗ trợ và tăng hiệu quả điều trị bằng bấm huyệt.
- Động tác chải đầu: sử dụng 10 đầu ngón tay như chiếc lược chải đầu theo chiều dọc từ chân tóc trước trán ra sau đầu và theo chiều ngang từ đỉnh đầu xuống tai. Có thể kết hợp kéo nhẹ chân tóc khi thực hiện động tác chải.
- Day ấn chân tóc: sử dụng hai đầu ngón tay day ấn vùng chân tóc và thái dương theo hình lò xo.
- Vỗ đầu: Áp hai lòng bàn tay vào nhau, sau đó sử dụng mô ngón tay út thực hiện động tác chặt trên vùng đầu.
- Gõ đầu: sử dụng các đầu ngón tay gõ trên vùng đầu theo vòng tròn và theo chiều ngược nhau sang hai bên đầu.
- Bóp đầu: chụm các ngón tay vào nhau rồi tách ngón cái về một phía, sau đó dùng cả hai bàn tay ôm lấy đầu và bóp đầu nhẹ nhàng từ dưới lên trên.
- Rung đầu: dùng hai bàn tay ôm chặt đầu sau đó thực hiện thao tác rung với tần số nhanh.
- Xoa trán: chụm ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út lại rồi xoa qua lại khắp trán từ 20-30 lần, sau đó miết và bóp dọc hai bên cung lông mày. Xoa trán giúp điều hòa khí huyết, định thần; cải thiện tốt các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt.
- Xoa sau gáy: dùng hai bàn tay xoa hai bên sau gáy theo chiều lên xuống khoảng 20-30 lần để giúp thư giãn cơ và tăng cường máu lên não.
- Xoa 2 ổ mắt: khép ngón trỏ và ngón giữa rồi xoa xung quanh mắt theo chiều kim đồng hồ từ 20-30 vòng. Động tác này giúp đả thông khí huyết, tăng cường máu tuần hoàn lên não, đồng thời giúp mắt thư giãn và tinh sáng hơn.
- Xoa tai: xoa và miết lên xuống xung quanh tai từ 20-30 lần sau đó úp hai lòng bàn tay lên 2 tai và ấn vào khoảng 5-10 lần (sẽ có cảm giác như nghe thấy tiếng đánh trống trong tai).
Bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình
Sau khi thực hiện các động tác xoa bóp để làm nóng và hỗ trợ tăng cường tuần hoàn máu, việc bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình sẽ được thực hiện bằng cách tác động lên các vị trí huyệt dưới đây:
- Huyệt Phong trì: là cặp huyệt nằm phía sau gáy, đối xứng hai bên qua đốt sống cổ. Có thể xác định bằng cách dùng ngón tay vuốt dọc theo bờ ngoài cơ thang (chiều từ dưới lên) đến điểm lõm tiếp giáp đáy hộp sọ là vị trí huyệt. Bấm huyệt Phong trì giúp tăng tuần hoàn máu tới não; giúp cải thiện các triệu chứng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
- Huyệt Phong phủ: nằm ở vị trí lõm giữa gáy, khi ngửa cổ về sau sẽ xác định được huyệt dễ dàng. Day ấn huyệt Phong trì giúp khắc phục hầu hết các triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình.
- Huyệt Bách hội: nằm trên đỉnh đầu, tại giao điểm của đường thẳng chia đôi cơ thể theo chiều dọc và đường nối hai tai. Bấm huyệt tác dụng giảm đau đầu, hồi hộp, hoa mắt, ù tai, mất ngủ, hay quên…
- Huyệt Thượng tinh: nằm trên đường thẳng giữa đầu, tại trung điểm của đoạn thẳng nối huyệt Ấn đường và huyệt Bách hội. Ấn huyệt Thượng tinh giúp thư giãn, giải tỏa stress; điều trị hoa mắt, đau đầu do viêm xoang.
- Huyệt Thái dương: tại chỗ lõm phía sau điểm nối đuôi lông mày và đuôi mắt. Đây là huyệt vị được sử dụng thường xuyên trong điều trị đau đầu và đau nửa đầu.
- Huyệt Giác tôn: nằm ở bờ trên loa tai, trong chân tóc. Bấm huyệt Giác tôn mang lại hiệu quả trong trường hợp nguyên nhân gây rối loạn tiền đình liên quan tới các vấn đề ở tai.
- Huyệt Hợp cốc: nằm trên mu bàn tay, tại điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ và ngón cái khi khép hai ngón tay này lại. Đây là huyệt bàn tay có khả năng điều trị đau đầu, đau răng, liệt mặt.
- Huyệt Nội quan: nằm ở mặt trước cổ tay, giữa khe của gân cơ gan tay lớn và gân cơ gan tay bé, cách đường chỉ cổ tay 2 thốn. Bấm huyệt này giúp giảm các triệu chứng hồi hộp, mất ngủ, buồn nôn.
Cách bấm huyệt rối loạn tiền đình là sử dụng ngón cái day ấn tại vị trí huyệt theo chiều kim đồng hồ trong thời gian từ 2-3 phút. Không nên quá mạnh tay nhưng cần đảm bảo dùng đủ lực để cảm thấy tê tức tại vị trí huyệt tác động.
Ngoài các huyệt chữa rối loạn tiền đình trên, có thể day ấn tại các điểm đau quanh đầu – còn được gọi là A thị huyệt, giúp giảm đau nhức tại chỗ rất tốt. Nếu ấn lên điểm đau thấy khó chịu hơn có nghĩa là bệnh mới khởi phát, cần day ấn mạnh và nhanh tại điểm đau trong khoảng 30-60 giây. Nếu ấn lên điểm đau thấy dễ chịu hơn nghĩa là bệnh đã lâu ngày, tại các điểm này cần day ấn nhẹ nhàng trong khoảng 2-3 phút để đem lại hiệu quả tốt nhất.
Lưu ý khi chữa rối loạn tiền đình bằng bấm huyệt
Để bảo bảo an toàn và hiệu quả trị liệu, đặc biệt là khi tự thực hiện xoa bóp bấm huyệt rối loạn tiền đình tại nhà, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trước khi bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình, cần thăm khám và tham khảo ý kiến của bác sĩ Đông y.
- Không bấm huyệt với các trường hợp bệnh nhân đang sốt cao, có khối u, mắc các bệnh chảy máu, bệnh truyền nhiễm cấp tính hoặc khi đang có vết thương, vết bầm hay bị các bệnh ngoài da ở vùng đầu mặt.
- Nếu bấm huyệt trị bệnh tiền đình đều đặn từ 3-5 ngày mà không thấy cải thiện triệu chứng thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và tìm hướng xử trí.
- Nếu trong hoặc sau khi bấm huyệt, thấy xuất hiện các triệu chứng hoa mắt, đổ mồ hôi, mạch đập nhanh thì cần dừng ngay, nằm nghỉ và uống nước đường nóng để ổn định huyết áp.
- Bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình cần kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, tăng cường rau quả, hạn chế các món dầu mỡ, cay, mặn và thực phẩm có chứa chất kích thích.
- Người bệnh bên cạnh đó nên tập các bài vận động nhẹ nhàng cho vùng đầu, cổ và gáy sẽ rất có ích trong hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tái phát chứng rối loạn tiền đình.
Trên đây là những thông tin giải đáp về hiệu quả của phương pháp bấm huyệt trong điều trị rối loạn tiền đình và hướng dẫn cách bấm huyệt chữa rối loạn tiền đình cho hiệu quả cao. Hy vọng những chỉ dẫn và lưu ý trên sẽ giúp ích cho bạn đọc trong quá trình chăm sóc sức khỏe và điều trị chứng bệnh phiền toái này.