Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là một bệnh mãn tính, có khả năng đe dọa tính mạng do virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây ra. Bằng cách phá hủy hệ thống miễn dịch, HIV cản trở cơ thể chống lại các sinh vật gây bệnh. Không có cách chữa khỏi HIV / AIDS, nhưng có những loại thuốc có thể làm chậm đáng kể sự tiến triển của bệnh.
1. AIDS là gì?
AIDS là căn bệnh được tiến triển từ HIV. Đây là giai đoạn cuối cùng của HIV. Nhưng không phải tất cả những người nhiễm HIV đều sẽ bị bệnh AIDS. HIV tiêu diệt tế bào CD4. Người trưởng thành khỏe mạnh thường có số lượng CD4 từ 500 – 1.500 tế bào/mm3. Người nhiễm HIV có số lượng CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3 sẽ được chẩn đoán mắc AIDS.
Ngoài ra, người bệnh cũng được chẩn đoán bị AIDS nếu họ bị nhiễm HIV và bị nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư mà nó hiếm gặp ở những người không có HIV. Nhiễm trùng cơ hội, chẳng hạn như viêm phổi là dấu hiệu HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
Nếu không được điều trị, HIV có thể tiến triển thành AIDS trong vòng 10 năm. Không có cách chữa bệnh AIDS, tuổi thọ sau khi chẩn đoán là khoảng 3 năm. Thời gian sống có thể ngắn hơn nếu người bệnh nhiễm các bệnh cơ hội nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều trị bằng thuốc kháng vi-rút có thể ngăn ngừa AIDS tiến triển.
Nếu HIV đã tiến triển sang AIDS, điều đó có nghĩa là hệ thống miễn dịch bị tổn hại nghiêm trọng. Nó đã suy yếu đến mức không thể chống lại hầu hết các bệnh và nhiễm trùng. Điều đó làm cho người bệnh dễ bị một loạt các bệnh, bao gồm:
- Viêm phổi
- Bệnh lao
- Tưa miệng (nhiễm nấm trong miệng hoặc cổ họng)
- Cytomegalovirus (CMV), một loại virus herpes
- Viêm màng não do cryptococcus (nhiễm nấm trong não)
- Toxoplasmosis (nhiễm trùng não do ký sinh trùng)
- Cryptosporidiosis (một bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng đường ruột)
- Ung thư: Bao gồm ung thư Kaposi (KS) và ung thư hạch.
Tuổi thọ bị rút ngắn liên quan đến AIDS không được điều trị là kết quả của các bệnh và biến chứng phát sinh do hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
2. HIV và AIDS có mối liên hệ gì?
HIV tiến triển qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Giai đoạn cấp tính, diễn ra vài tuần đầu sau khi nhiễm bệnh.
Giai đoạn 2: Độ trễ lâm sàng hoặc giai đoạn mãn tính.
Giai đoạn 3: AIDS.
Khi HIV làm giảm số lượng tế bào CD4, hệ thống miễn dịch suy yếu. Số lượng CD4 của người lớn thông thường là 500 – 1.500 tế bào/mm3. Một người có số lượng dưới 200 tế bào/mm3 được coi là bị AIDS.
Thời gian HIV tiến triển sang giai đoạn mãn tính thay đổi đáng kể trên mỗi người. Nếu không điều trị, nó có thể kéo dài đến một thập kỷ trước khi tiến tới AIDS. Với điều trị, nó có thể kéo dài vô tận.
Không có cách chữa trị HIV, nhưng có cách để kiểm soát bệnh. Những người nhiễm HIV thường có tuổi thọ gần như bình thường với điều trị sớm bằng liệu pháp kháng vi-rút. Thêm vào đó, về mặt kỹ thuật không có thuốc chữa AIDS. Tuy nhiên, việc điều trị có thể làm tăng số lượng CD4 đến mức được coi là không còn bị AIDS (>=200 tế bào/mm3). Ngoài ra, điều trị có thể giúp kiểm soát nhiễm trùng cơ hội.
3. Triệu chứng của AIDS
Người bị nhiễm HIV có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Những người nhiễm HIV có thể tiến triển thành AIDS nếu bệnh HIV được chẩn đoán muộn hoặc không được chẩn đoán, hoặc người bị nhiễm HIV nhưng không dùng liệu pháp kháng retrovirus. Người bệnh cũng có thể tiến triển thành AIDS nếu trong cơ thể tồn tại một hoặc nhiều loại virus HIV kháng lại (không có phản ứng) với việc điều trị bằng thuốc kháng vi-rút.
Nếu không được điều trị đúng cách, những người nhiễm HIV có thể chuyển sang giai đoạn AIDS sớm hơn. Theo đó, hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, khó chống lại nhiễm trùng và bệnh tật hơn. Với việc sử dụng liệu pháp kháng vi-rút, một người có thể duy trì nhiễm HIV mạn tính mà không bị AIDS trong nhiều thập kỷ.
Các triệu chứng của AIDS có thể bao gồm:
- Sốt tái phát.
- Các hạch bạch huyết sưng mãn tính, đặc biệt là nách, cổ và háng.
- Mệt mỏi mãn tính.
- Đổ mồ hôi về đêm.
- Vết nám sẫm màu dưới da hoặc bên trong miệng, mũi hoặc mí mắt.
- Lở loét, đốm hoặc tổn thương miệng và lưỡi, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
- Vết sưng, tổn thương hoặc phát ban ở da.
- Tiêu chảy tái phát hoặc mãn tính.
- Giảm cân nhanh.
- Các vấn đề về thần kinh như khó tập trung, mất trí nhớ và nhầm lẫn.
- Lo lắng và trầm cảm.
Điều trị bằng thuốc kháng vi-rút giúp kiểm soát vi-rút và ngăn ngừa tiến triển từ HIV thành AIDS. Các nhiễm trùng và biến chứng khác của AIDS cũng có thể được điều trị. Việc điều trị phải được điều chỉnh theo nhu cầu cá nhân của người bệnh.
4. Nguyên nhân gây ra AIDS
Những người khỏe mạnh có số lượng CD4 từ 500 – 1.500 tế bào/mm3. Nếu không điều trị, HIV tiếp tục nhân lên và phá hủy tế bào CD4. Nếu một người có số lượng CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3, họ sẽ được chẩn đoán là bị AIDS.
Ngoài ra, nếu người nhiễm HIV bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội liên quan đến HIV, họ vẫn có thể được chẩn đoán bị AIDS, ngay cả khi số lượng CD4 của họ > 200 tế bào/mm3.
5. Biến chứng khi bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS
Nhiễm HIV/AIDS làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm tăng khả năng mắc nhiều bệnh nhiễm trùng và một số loại ung thư.
5.1 Nhiễm trùng phổ biến liên quan đến HIV / AIDS
- Bệnh lao (TB): Ở các quốc gia kém phát triển và đang phát triển, bệnh lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất liên quan đến HIV. Đó là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bị AIDS.
- Vi rút Cytomegalovirus: Virus herpes phổ biến này được lây truyền qua các chất dịch cơ thể như nước bọt, máu, nước tiểu, tinh dịch và sữa mẹ. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể làm bất hoạt virus (dạng không hoạt động). Hệ thống miễn dịch suy yếu với AIDS, virus sẽ xuất hiện trở lại – gây tổn thương cho mắt, đường tiêu hóa, phổi hoặc các cơ quan khác.
- Bệnh nấm candida: Candida là một nhiễm trùng phổ biến liên quan đến HIV. Nó gây viêm với một lớp phủ dày, trắng trên màng nhầy của miệng, lưỡi, thực quản hoặc âm đạo.
- Viêm màng não do cryptococcus: Viêm màng não là tình trạng viêm màng và dịch lỏng bao quanh não và tủy sống (màng não). Viêm màng não do cryptococcus là một bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương phổ biến liên quan đến HIV, gây ra bởi một loại nấm được tìm thấy trong đất.
- Nhiễm độc tố: Nhiễm trùng có khả năng gây tử vong này là do Toxoplasma gondii, một loại ký sinh trùng lây lan chủ yếu ở mèo. Những con mèo bị nhiễm bệnh truyền ký sinh trùng qua phân, sau đó có thể lây sang các động vật, trong đó có con người. Động kinh xảy ra khi ký sinh trùng lan đến não.
- Cryptosporidiosis: Nhiễm trùng này là do ký sinh trùng đường ruột thường xuất hiện trên các loại động vật. Người bệnh bị nhiễm thông qua ăn uống thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Ký sinh trùng phát triển trong ruột và ống mật, dẫn đến tiêu chảy nặng, mãn tính ở những người bị AIDS.
5.2 Những bệnh ung thư thường gặp ở người nhiễm HIV / AIDS
- Ung thư Kaposi: Là khối u được hình thành ở thành mạch máu, ung thư này hiếm gặp ở những người không bị nhiễm HIV, nhưng phổ biến ở những người dương tính với HIV. Nó thường xuất hiện dưới dạng tổn thương màu hồng, đỏ hoặc tím trên da và miệng. Ở những người có làn da sẫm màu hơn, các tổn thương có thể có màu nâu sẫm hoặc đen. Ung thư Kaposi cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, bao gồm cả đường tiêu hóa và phổi.
- Ung thư hạch: Ung thư này bắt đầu trong các tế bào bạch cầu. Dấu hiệu sớm phổ biến nhất là sưng hạch không đau ở cổ, nách hoặc háng.
5.3 Các biến chứng khác
- Hội chứng suy mòn: Phương pháp điều trị tích cực đã làm giảm số lượng các trường hợp mắc hội chứng suy mòn, nhưng nó vẫn ảnh hưởng đến nhiều người bị AIDS. Nó được định nghĩa là giảm ít nhất 10% trọng lượng cơ thể, thường đi kèm với tiêu chảy, suy nhược mãn tính và sốt.
- Biến chứng thần kinh: Mặc dù AIDS dường như không lây nhiễm đến các tế bào thần kinh, nhưng nó có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như nhầm lẫn,hay quên, trầm cảm, lo lắng và khó đi lại. Một trong những biến chứng thần kinh phổ biến nhất là bệnh mất trí nhớ do AIDS, dẫn đến thay đổi hành vi và giảm chức năng tâm thần.
- Bệnh thận: Bệnh thận liên quan đến HIV (HIVAN) là tình trạng viêm ở các bộ lọc nhỏ trong thận, bộ phận có vai trò loại bỏ chất lỏng dư thừa và chất thải từ máu chuyển thể thành nước tiểu. Nó thường ảnh hưởng đến người da đen hoặc Tây Ban Nha. Người nhiễm HIV bị biến chứng này nên được bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng vi-rút.
6. Những phương pháp làm chậm tiến triển của bệnh HIV/AIDS
Điều trị nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi được chẩn đoán nhiễm HIV, bất kể tải lượng virus đang ở mức thấp hay cao. Phương pháp điều trị chính cho HIV là điều trị bằng thuốc kháng vi-rút, một sự kết hợp của các loại thuốc được sử dụng hàng ngày nhằm ngăn chặn vi-rút sinh sản. Điều này giúp bảo vệ các tế bào CD4, giữ cho hệ thống miễn dịch đủ mạnh để chống lại bệnh tật.
Điều trị bằng thuốc kháng vi-rút giúp ngăn ngừa HIV tiến triển thành AIDS. Nó cũng giúp giảm nguy cơ truyền HIV cho người khác. Khi điều trị có hiệu quả, tải lượng vi-rút sẽ không thể phát hiện được. Người bệnh vẫn bị nhiễm HIV, nhưng vi-rút không thể nhìn thấy trong kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, virus vẫn còn trong cơ thể. Nếu ngừng dùng liệu pháp kháng vi-rút, tải lượng vi-rút sẽ tăng trở lại và HIV có thể lại bắt đầu tấn công các tế bào CD4.
Những cách khác có thể giúp cải thiện sức khỏe của những người nhiễm HIV bao gồm:
- Tiếp nhiên liệu cho cơ thể bằng chế độ ăn uống cân bằng.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Nghỉ ngơi nhiều.
- Tránh thuốc lá và các chất kích thích.
- Báo cáo bác sĩ ngay khi có các triệu chứng bệnh bất thường.
- Duy trì tinh thần ổn định.
- Quan hệ tình dục an toàn: Nói chuyện với (các) bạn tình về tình trạng bệnh. Nên đi xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STIs). Và sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc hậu môn.
- Điều trị dự phòng bằng PrEP và PEP: Với những người không nhiễm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) có thể làm giảm nguy cơ lây truyền. PrEP thường được khuyên dùng cho những người không nhiễm HIV có mối quan hệ với người nhiễm HIV, nhưng nó cũng có thể được sử dụng trong các tình huống khác.
- Tâm sự với người thân: Khi lần đầu tiên nói với mọi người về tình trạng bệnh, người bệnh thường mong muốn người nghe có thể duy trì sự tin tưởng với họ. Đồng thời, cũng mong muốn nhận được sự chăm sóc sức khỏe và tâm lý.
- Nhận hỗ trợ: Họ có thể tham gia nhóm hỗ trợ HIV, trực tiếp hoặc trực tuyến, vì đó là nơi họ có thể gặp gỡ những người khác cũng đang phải đối mặt với những mối quan tâm tương tự. Từ đó có thể hỗ trợ và động viên nhau trong các hoạt động đời sống và các vấn đề bệnh tật.