Viêm tai giữa là tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc từ bên ngoài môi trường xâm nhập vào gây nên. Hiện tượng viêm tai giữa cấp tính có thể chuyển dần thành viêm tai giữa có mủ, chảy mủ hoặc thành dịch nếu không có biện pháp xử lý đúng cách.
1. Tại sao viêm tai giữa dễ tái phát?
Thông thường, triệu chứng viêm tai giữa thể hiện thông qua việc bệnh nhân thường xuyên bị đau nhức tai, khó chịu trong tai, mệt mỏi, ù tai, giảm thính lực… Trong trường hợp tai xuất hiện mủ và những mủ này không được xử lý thì có thể gây ra thủng màng nhĩ. Còn nếu bạn bị viêm tai giữa thanh dịch thì có nguy cơ cao sẽ bị xơ dính chuỗi xương con.
Việc điều trị tùy thuộc vào giai đoạn của viêm tai giữa. Viêm tai giữa cấp thường được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn sung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ.
Tùy từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị phù hợp. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng viêm tai giữa tái phát nhiều lần, nguyên nhân có thể do:
- Phát hiện bệnh muộn khiến bệnh trở nặng gây khó khăn trong chữa trị
- Điều trị không đúng cách cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm tai giữa tái phát
- Điều trị không triệt để là vấn đề nhiều người mắc phải, không tuân thủ theo chỉ định bác sĩ khi thấy hết triệu chứng là dừng thuốc khiến bệnh chưa khỏi hoàn toàn khiến tái phát nhanh chóng
- Không chăm sóc đúng cách, người bệnh sau điều trị không thăm khám theo dõi định kỳ theo đúng lịch và không tuân thủ về lưu ý sinh hoạt phòng ngừa bệnh hiệu quả khiến bệnh tiếp tục tái phát.
2. Cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
Khả năng nghe của bé phụ thuộc vào sự rung đúng nhịp của màng nhĩ và vùng tai giữa. Việc viêm tai giữa tái đi tái lại sẽ làm tổn thương màng nhĩ cũng như khả năng rung của nó, điều này khiến khả năng nghe của bé bị kém đi. Đây là lý do vì sao bệnh viêm tai giữa lại được xem là nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, nhất là trong giai đoạn bé đang tập nói. Việc thính lực bị giảm sút định kỳ như vậy sẽ làm hạn chế khả năng nói cũng như làm cho bé gặp phải một số vấn đề về ngôn ngữ ở bé và điều này sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của bé sau này.
Trường hợp bé có những biểu hiện viêm tai giữa, cha mẹ cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và có hướng điều trị thích hợp. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra màng nhĩ ở 2 tai và hệ hô hấp của bé để có thể chẩn đoán đúng bệnh, cho đúng thuốc. Hầu hết các bệnh viêm tai nhẹ và vừa sẽ hoàn toàn khỏi mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Chính vì vậy mà Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo các bác sĩ phương pháp tiếp cận bệnh là “Quan sát và Chờ”.
Quan sát ở đây có nghĩa là tập trung vào những biểu hiện của bé, xem bé có bị đau hơn không. Còn Chờ có nghĩa là bác sĩ sẽ không sử dụng kháng sinh ngay cho bé, ngay cả khi đã xác định được vùng tai giữa của bé có ứ dịch. Sau 2-3 ngày mà bệnh của bé không tiến triển, lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng kháng sinh cho bé.
Cách vệ sinh tai cho trẻ bị viêm tai giữa
Khi trẻ bị viêm tai giữa hay viêm tai giữa cấp thì đều cần vệ sinh tai cho bé sạch sẽ theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ. Mẹ có thể chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa theo hướng dẫn sơ bộ như sau:
- Dùng khăn mặt nhúng vào nước ấm và vắt sạch nước để lau tai cho bé.
- Sau đó, mẹ nhỏ 1 đến 2 giọt nước muối sinh lý vào tai.
- Hoặc mẹ cũng có thể dùng thuốc rửa tai hằng ngày để bệnh mau khỏi.
3. Cách phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ sơ sinh
Sau đây là một số chỉ dẫn nhằm giúp chất dịch nhiễm khuẩn không “quậy” khu vực phía sau màng nhĩ của bé, tránh cho trẻ bị viêm tai giữa:
- Cho bé bú mẹ: sữa mẹ cung cấp và tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên cho bé.
- Cho bé bú bình ở tư thế thẳng đứng (tạo thành góc nghiêng ít nhất 30 độ) và giữ tư thế đó ít nhất là 30 phút sau khi bú xong.
- Giữ bé tránh xa các chất có khả năng kích ứng tạo ra dịch nhầy trong hốc mũi và tai giữa của bé. Thú nhồi bông, vật nuôi và bất cứ đồ vật gì có lông cần để ở xa chỗ bé ngủ. Và tuyệt đối không được hút thuốc xung quanh bé.
- Hạn chế cho bé ngậm núm vú giả khi bé ngủ ban đêm, nhất là với bé từ 6 tháng trở lên vì nghiên cứu đã cho thấy có mối tương quan giữa việc ngậm núm vú giả và viêm tai giữa.
- Tăng cường khả năng miễn dịch cho bé bằng cách cho bé ăn nhiều trái cây, rau củ quả và hải sản.
Tin vui cho bố mẹ đó là khi bé lớn lên thì vòi nhĩ (ống eustachian) sẽ ngày càng dài hơn, hẹp lại và nghiêng hơn. Chính điều này sẽ gây cản trở cho vi khuẩn và dịch nhầy “hành quân” vào tai giữa của bé. Viêm tai giữa ở trẻ em hoàn toàn có thể điều trị bằng các biện pháp đơn giản ở nhà mà không sử dụng đến các loại thuốc kháng sinh. Điều quan trọng chính là nhận diện chính xác các triệu chứng để có thể chăm sóc và điều trị kịp thời cho bé.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.