Sự hình thành bệnh nang thận

nang thận

Thận có vai trò duy trì điện giải và thải các chất độc cơ thể ra bên ngoài thông qua đường nước tiểu. Thận cấu tạo bởi nhiều đơn vị với các chức năng khác nhau. Khi 1 đơn vị thận bị tắc sẽ khiến nước tiểu ứ đọng, không thể thoát ra ngoài, tạo thành 1 túi chứa gọi là nang ở thận.

1. Thận là gì?

Thận là cơ quan bài tiết chính trong hệ tiết niệu với vị trí sát ngay thành sau của bụng, đối xứng nhau qua cột sống. Một người bình thường sẽ có 2 quả thận nằm ở 2 bên.

Thận có hình giống hạt đậu, màu nâu nhạt, mặt trước thận nhẵn bóng còn mặt sau sần sùi, lồi lõm khác nhau. Chiều dài mỗi quả thận có kích thước từ 10 – 12.5 cm, chiều rộng từ 5 – 6 cm và độ dày khoảng 3 – 4 cm, có khối lượng tầm 150 – 170g.

2. Chức năng của thận

Thận có các chức năng rất quan trọng như sau:

  • Lọc máu và chất thải: Thận có vai trò quan trọng trong lọc máu, giữ lại protein, tế bào máu. Loại bỏ các chất thải, cặn bã theo dịch lọc, đường tiết niệu để tạo thành nước tiểu, thải ra ngoài.
  • Điều hòa thể tích máu: Thận có chức năng kiểm soát khối lượng dịch ngoại bào có trong cơ thể bằng cách sản xuất ra nước tiểu. Nhận thấy rõ ràng nhất là khi uống nhiều nước, lượng nước tiểu sẽ tăng lên và khiến con người buồn đi tiểu tiện.
  • Bài tiết nước tiểu: Nước tiểu bắt nguồn từ các đơn vị chức năng của thận. Sau khi trải qua quá trình lọc máu và hấp thu, nước tiểu cũng như các chất thải trong cơ thể sẽ được đổ vào bể thận, xuống ống niệu quản rồi được tích trữ trong bàng quang và thải ra ngoài.

Ngoài ra, thận cũng có các chức năng khác như trung hòa các chất hòa tan trong máu, độ pH của dịch ngoại bào, điều hòa nồng độ các ion có trong máu, tham gia vào quá trình chuyển hóa vitamin D và hỗ trợ kiểm soát lượng ion canxi trong máu.

3. Nang thận hình thành như thế nào?

Thận được cấu tạo từ nhiều đơn vị thận, mỗi đơn vị này sẽ có nhiệm vụ lọc, tái hấp thu và bài tiết nước tiểu vào một hồ chứa chung gọi là bể thận.

Từ bể thận này, nước tiểu sẽ chảy theo niệu quản để xuống bàng quang và thải ra ngoài. Khi một đơn vị thận bị tắc do các nguyên nhân khác nhau như viêm, sỏi, xơ… thì nước tiểu sẽ ứ lại, không thể đào thải. Từ đó, hình thành nên một túi chứa nước gọi là nang ở thận.

Hiện nay, dựa theo biểu hiện, nang thận được chia thành 3 loại như sau:

  • Nang thận đơn độc: Đây là loại thường gặp nhất, chiếm khoảng 1/3 số bệnh nhân mắc khi trên 50 tuổi. Nang thận nằm ở vị trí vỏ thận và hầu hết là lành tính.
  • Thận nhiều nang (có từ hai nang trở lên): Tương tự như nang thận đơn độc, tuy nhiên loại này thường bị tắc nghẽn nhiều ở đơn vị thận.
  • Thận đa nang: Nguyên nhân gây nên thận đa nang là do sự rối loạn về cấu trúc có tính di truyền, khiến một phần lớn nhu mô thận bị biến đổi thành nhiều nang có chứa dịch. Thường xuất hiện ở cả 2 thận.
nang ở thận
Khi một đơn vị thận bị tắc thì sẽ hình thành nên túi chứa nước gọi là nang ở thận.

4. Triệu chứng khi bị nang thận

Bệnh nang thận có triệu chứng không rõ ràng, khó phát hiện sớm khi u nang còn nhỏ (không gây ra triệu chứng gì). Khi nang lớn hơn có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Bị đau hông lưng: Khi u nang thận phát triển lớn gây chèn ép đài bể thận.
  • Sốt: Nếu người bệnh bị nhiễm trùng nang.

5. Nguyên nhân gây nang ở thận

Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây nang ở thận. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nang thận như:

  • Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên nguy cơ sẽ cao hơn khi lớn tuổi.
  • Nam giới có nguy cơ bị nang ở thận cao hơn nữ giới.
  • Đang chạy thận nhân tạo.

6. Nang ở thận có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, u nang thận vô hại và không cần điều trị. Tuy nhiên nếu u nang bị nhiễm trùng sẽ gây ra triệu chứng sốt và đau lưng. Đôi khi nang bị xuất huyết, biểu hiện là trong nước tiểu có máu.

Để chẩn đoán, phát hiện u nang thận, có thể chỉ định:

  • Siêu âm: Nhằm phát hiện vị trí, kích thước của nang thận.
  • Tổng phân tích nước tiểu: HC, BC trong nước tiểu.
  • Công thức máu: BC tăng nếu u nang thận bị nhiễm trùng.
  • Chức năng của thận: Chỉ số Ure, Creatinin trong máu sẽ tăng nếu có suy thận.
  • UIV: Phát hiện sự chèn ép của nang lên hệ đài bể thận.
  • Chụp CT: Nhằm phát hiện chính xác vị trí, kích thước của nang và các bệnh lý khác như bướu thận, sỏi thận….
nang ở thận
Nang ở thận nếu bị nhiễm trùng sẽ gây ra triệu chứng sốt và đau lưng.

7. Khi nào cần điều trị u nang thận?

  • Khi bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh. Nếu nang lớn gây đau, bác sĩ có thể dẫn lưu bằng kim dài đâm qua da.
  • Nếu nghi ngờ có khối u, người bệnh cần theo dõi và khám định kỳ, có thể đây là khối u ác tính gây ung thư thận.
  • Với các bệnh nhân đang chạy thận, theo khuyến cáo, cần tầm soát ung thư khoảng 3 năm 1 lần.
  • Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để làm nang thận ngưng chảy máu và cắt bỏ u hay khối nghi ngờ là u.

Tóm lại, nang ở thận thường vô hại và không cần điều trị. Tuy nhiên nếu nang bị nhiễm trùng hoặc ác tính thì người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám, sàng lọc bệnh lý tiết niệu giúp cho khách hàng có thể phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Khi lựa chọn Gói khám, sàng lọc bệnh lý tiết niệu tại Vinmec, khách hàng sẽ được:

  • Khám chuyên khoa ngoại tiết niệu.
  • Siêu âm hệ tiết niệu.
  • Định lượng PSA toàn phần.
  • Định lượng PSA tự do.
  • Cấy nước tiểu.

Để giúp phát hiện sớm khả năng có thể mắc các bệnh tiết niệu. Đặc biệt là các bệnh lý về tiền liệt tuyến (phì đại lành tính tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến) và các bệnh lý sỏi tiết niệu…. từ đó giúp khách hàng có những biện pháp dự phòng bệnh.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *